Khủng hoảng nợ đè nặng lên 26 quốc gia nghèo nhất thế giới

15/10/2024 13:44

Ngày 13/10, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo cho thấy, 26 quốc gia nghèo nhất, chiếm 40% dân số nghèo nhất thế giới, đang chìm trong nợ nần nhiều hơn bao giờ hết kể từ năm 2006. Điều này khiến các quốc gia này rất dễ bị tổn thương trước thiên tai và các thách thức khác.

Afghanistan là một trong 26 quốc gia nghèo nhất đang đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. (Ảnh: Reuters)

Báo cáo mới nhất của WB cho biết, nhiều nước đang ngày càng nghèo đi so với thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong khi đó, phần lớn các nước khác đã dần hồi phục và phát triển trở lại.

Được công bố 1 tuần trước khi cuộc họp thường niên của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) diễn ra tại thủ đô Washington của Mỹ, báo cáo đánh giá đây là một “bước lùi lớn” đối với các nỗ lực xóa đói giảm nghèo của cộng đồng quốc tế, đồng thời khẳng định vai trò và nỗ lực của WB trong việc hỗ trợ các quốc gia này thông qua Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA).

Theo WB, 26 nền kinh tế nghèo nhất với thu nhập bình quân đầu người hằng năm dưới 1.145 USD, ngày càng phụ thuộc vào các khoản viện trợ và cho vay lãi suất gần bằng 0 của IDA khi nguồn tài trợ thị trường hầu như đã cạn kiệt. Tỷ lệ nợ trên GDP trung bình của các quốc gia này là 72%, mức cao nhất trong 18 năm qua và một nửa trong số này đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nợ hoặc có nguy cơ cao xảy ra khủng hoảng.

Theo báo cáo, hơn một nửa trong số 26 quốc gia nghèo nhất thế giới đang phải đối mặt với xung đột vũ trang hoặc tình trạng bất ổn. Điều này, cùng với các yếu kém về thể chế đã làm giảm khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và khiến các nước này phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu cũng như rất dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường thế giới.

Ông Indermit Gill, Nhà kinh tế trưởng WB cho biết, trong bối cảnh phần lớn thế giới thờ ơ với các quốc gia nghèo nhất, IDA đã đóng vai trò như “phao cứu sinh”. Theo ông Indermit Gill, trong 5 năm qua, IDA đã rót phần lớn nguồn tài chính vào 26 nền kinh tế nghèo nhất thế giới, giúp họ vượt qua những khó khăn chưa từng có trong lịch sử.

IDA thường được bổ sung nguồn vốn 3 năm/lần với các đóng góp từ các quốc gia thành viên của WB. Năm 2021, IDA đã huy động được số tiền kỷ lục 93 tỷ USD. Với đợt huy động lần này, Chủ tịch WB Ajay Banga đặt mục tiêu vượt qua con số đó, với hơn 100 tỷ USD ủng hộ vào quỹ trước ngày 6/12 để hỗ trợ các dự án phát triển ở các nước đang phát triển.

Trong thập kỷ qua, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề cho các quốc gia này. Từ năm 2011 đến 2023, thiệt hại trung bình hằng năm do thiên tai lên tới 2% GDP, gấp 5 lần so với mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp.

Báo cáo cũng khuyến nghị các quốc gia này cần nỗ lực nhiều hơn để tự giúp đỡ mình. Điều này bao gồm việc cải thiện thu ngân sách bằng cách đơn giản hóa quy trình đăng ký thuế và quản lý thuế, cũng như nâng cao hiệu quả trong chi tiêu công.

Phần lớn các quốc gia trong nghiên cứu nằm ở khu vực châu Phi cận Sahara, từ Ethiopia đến Chad và Congo, bên cạnh đó còn có Afghanistan và Yemen./.

 
H.Hà (Theo Reuters, Business Standard)
Nguồn dangcongsan.vn
Viết bình luận mới