Houthi mở rộng căn cứ dưới lòng đất, gây khó cho liên quân do Mỹ đứng đầu
04/05/2024 11:08
Lực lượng phiến quân đang kiểm soát phần lớn Yemen đã mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự ngầm nhằm tăng cường khả năng phục hồi trước các cuộc đụng độ với lực lượng Mỹ và viễn cảnh một cuộc xung đột toàn khu vực có thể nổ ra.
Phong trào Houthi từ lâu đã được biết đến là sử dụng các căn cứ dưới lòng đất trong suốt cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ ở Yemen, nhưng gần đây, các hình ảnh vệ tinh cho thấy mạng lưới ngầm của Houthi tiếp tục được mở động giữa căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Các đường hầm được sử dụng để tiến hành chiến tranh cũng đã xuất hiện trong các video gần đây do Houthi công bố.
Thứ trưởng Thông tin của Houthi, Ansar Allah Nasreddin Amer nói với Newsweek: “Về các đường hầm, nó không có gì mới đối với cơ cấu quân sự của chúng tôi và những gì được công bố là không đáng kể so với cơ sở hạ tầng mà chúng tôi sở hữu vì chúng chỉ là những đường hầm nhỏ dành cho cá nhân”.
Ông Amer nói thêm: “Tuy nhiên, điều không được cho thấy là một cơ cấu quân sự tích hợp - một trong những yếu tố quan trọng nhất cho sự vững chắc của quân đội chúng tôi”.
Fabian Hinz, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, người gần đây đã phân tích hình ảnh vệ tinh mới về các căn cứ ngầm của Houthi ở Yemen, đã lưu ý giá trị tiềm tàng của những cơ sở hạ tầng như vậy đối với chiến lược và khả năng của nhóm này.
“Không rõ chúng rộng đến mức nào. Nhưng công bằng mà nói thì họ đang đầu tư đáng kể vào các cơ sở ngầm và đó có lẽ là yếu tố then chốt trong học thuyết chiến tranh của họ”, ông Hinz nói với Newsweek.
Những gì ông Hinz tiết lộ qua hình ảnh vệ tinh là dấu hiệu của công trình xây dựng mới và lối vào các cơ sở dưới lòng đất ở trung tâm tỉnh Saada giáp biên giới Saudi Arabia. Nơi này thuộc căn cứ Al-Hafa ở ngoại ô phía Đông Sanaa và căn cứ tên lửa Jabal Attan ngay phía Tây thủ đô.
Ông Hinz lưu ý trong báo cáo là các cơ sở ngầm ở Yemen bắt nguồn từ thời Tổng thống Ali Abdullah Saleh, người đã lãnh đạo gần 25 năm cho đến khi ông bị lật đổ trong bối cảnh các cuộc biểu tình lan rộng vào năm 2012. Căng thẳng giữa chính phủ và Houthi trở nên tồi tệ hơn trong thập kỷ cuối cùng ông Saleh nắm quyền, và nhóm này đã sử dụng hệ thống hang động tự nhiên ở phía Bắc để trốn tránh quân đội.
Theo báo cáo, tại một hang động như vậy ở Saada, lực lượng an ninh Yemen đã giết chết thủ lĩnh của nhóm, giáo sĩ Hồi giáo Zaidi Shiite Hussein al-Houthi, vào năm 2004. Anh trai của ông ta, Abdul-Malik al-Houthi, sau đó lãnh đạo nhóm tiến vào thủ đô, kéo theo sự sụp đổ của chính quyền Saleh trong phong trào phản kháng Mùa xuân Arab trong khu vực.
Houthi bắt đầu đầu tư hơn nữa vào các công trình ngầm khi nhóm này tìm cách chống lại chiến dịch không kích của liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm khôi phục chính phủ được quốc tế công nhận của đất nước. Các cơ sở dưới lòng đất cũng trở thành mục tiêu, nhưng Houthi vẫn tiếp tục tái thiết hệ thống, thách thức chiến tranh chống đường hầm truyền thống.
“Trong một thời gian dài, người ta luôn nói rằng trong thời đại chiến tranh trên không chính xác, bạn thực sự không thể sử dụng trên các cơ sở ngầm bởi vì họ sẽ ném bom các lối vào và lỗ thông hơi. Sau đó đường hầm sẽ biến thành một ngôi mộ cho bất cứ ai ở bên trong”, ông Hinz nói.
Ông cho biết: “Người Houthi rõ ràng nhìn nhận điều này hoàn toàn khác. Họ đã tìm cách tân trang lại các cơ sở dưới lòng đất đã bị phá hủy hoặc có lối vào đã bị liên minh do Saudi dẫn đầu phá hủy”.
Giao tranh giữa các phe phái tham chiến ở Yemen đã lắng xuống đáng kể kể từ khi đạt được lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian cách đây hai năm và sau đó là một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian nhằm thiết lập lại quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia vào tháng 3 năm ngoái. Nhưng Houthi hiện phải đối mặt với mối đe dọa từ trên không từ kẻ thù mới là Mỹ và liên quân do nước này dẫn đầu.
Lấy cớ là phản đối cuộc xung đột ở Gaza, Houthi đã phóng tên lửa và thiết bị bay không người lái từ cách xa hàng ngàn kilomet về phía Israel và tiến hành một cuộc tấn công hàng hải chưa từng có nhằm vào các tàu thương mại cũng như tàu của lực lượng Mỹ ở Biển Đỏ và các vùng biển xung quanh.
Washington đáp trả bằng nhiều đợt không kích liên tục với sự hợp tác của Anh nhằm vào các vị trí Houthi ở Yemen, bao gồm cả các cơ sở ngầm.
Chuyên gia Hinz nói rằng các cơ sở dưới lòng đất của Houthi mà ông quan sát được bao gồm các lối vào đủ lớn để chứa các phương tiện, cho thấy chúng có khả năng chứa các tài sản chiến lược như thiết bị bay không người lái, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm. Ông cho rằng những địa điểm này cũng có thể hỗ trợ việc sản xuất những loại vũ khí như vậy.
Walker Mills, một sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ, người đã nghiên cứu và đưa ra phân tích về chiến tranh đường hầm, cũng nhận xét rằng các công trình ngầm của Houthi có thể sẽ được sử dụng để lưu trữ và chế tạo vũ khí, đồng thời bảo vệ các yếu tố chính của cơ sở hạ tầng quân sự, bao gồm các kho tiếp tế và trạm kiểm soát. Chúng cũng có thể được sử dụng để tăng cường các hoạt động tấn công.
Khi nói đến cơ sở hạ tầng ngầm, ông Mill lưu ý rằng những gì chưa được biết đến là thách thức lớn nhất. “Có thể khó che giấu sự hiện diện của các cơ sở dưới lòng đất, nhưng kích thước, hình dạng và tính chất chính xác của chúng là gì, chứ chưa nói đến những gì đang xảy ra bên trong chúng, thì rất khó nói, nếu không muốn nói là không thể xác định được”, ông Mill nói.
Các bài viết cùng chuyên mục
Căng thẳng về nước ở Trung Á: Cơ hội hợp tác hay nguy cơ xung đột?
Liban đình chỉ các lớp học trực tiếp tại khu vực Beirut
Các nước Nam Mỹ chúc mừng Tổng thống đắc cử Uruguay
Kế hoạch trục xuất người nhập cư của ông Trump có thể tổn hại đến kinh tế Mỹ
Kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống vòng 1 ở Romania
Các giáo phái ở Pakistan đạt thỏa thuận ngừng bắn
Triển vọng lệnh ngừng bắn tại Ukraine trong năm 2025
Nhà đầu tư tiền điện tử chôn kho báu trị giá hàng triệu USD thách thức cộng đồng tìm kiếm
New York cấp tốc áp phí lái xe vào Manhattan trước khi ông Trump nhậm chức
Mỹ đề nghị Israel đảm bảo an toàn cho lực lượng UNIFIL ở Liban