EU soạn thảo chiến lược quốc phòng riêng, tập trung vào sản xuất vũ khí

01/03/2024 07:40

Liên minh châu Âu (EU) đang hoàn thiện chiến lược của mình nhằm tăng cường mua sắm quốc phòng trong khối. Đến năm 2025, EU có kế hoạch sản xuất hơn 2 triệu viên đạn pháo hàng năm bằng cách sử dụng nguồn lực nội khối.

Chú thích ảnh

Ban đầu EC dự định trình bày chiến lược công nghiệp quốc phòng mới vào tháng 11/2023, nhưng một số quốc gia trong liên minh tỏ ra nghi ngờ về ý tưởng này. Ảnh: Europar.eu

Trong bối cảnh xung đột đang diễn ra ở Ukraine, EU đang tiến hành cải tổ chính sách quốc phòng của mình. Tháng tới, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trình bày Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng châu Âu (EDIS) mới. Tại phiên họp ngày 28/2 của Nghị viện Châu Âu, nơi được dành để thảo luận về an ninh và quốc phòng châu Âu, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết sẽ công bố tài liệu này trong những tuần tới.

Người đứng đầu EC nêu các điểm chính của tài liệu: Chi tiêu nhiều hơn, chi tiêu thông minh hơn (tăng mua sắm chung) và sử dụng kinh nghiệm từ cuộc xung đột ở Ukraine để “vượt qua Nga trên chiến trường".

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times, người đứng đầu EC cũng nêu rõ sự cần thiết phải tăng cường sản xuất vũ khí dựa trên kinh nghiệm củng cố quỹ để sản xuất vaccin ngừa COVID-19 và mua chung khí đốt.

Theo dự thảo của tài liệu mà Bloomberg thu thập được, EU sẽ đặt mục tiêu thực hiện một nửa số hợp đồng mua sắm quốc phòng trong khối vào năm 2035, điều này sẽ đảo ngược xu hướng gần đây là mua phần lớn thiết bị quân sự của mình từ các nước thứ ba. Bloomberg cho biết, chiến lược mới sẽ định hướng việc thực hiện các khoản đầu tư chung của EU vào lĩnh vực quốc phòng, đảm bảo các nguồn cung cấp quan trọng và điều chỉnh chính sách cho vay của Ngân hàng Đầu tư châu Âu.

Bloomberg lưu ý, EU sẽ cần sản xuất hàng loạt đạn dược, máy bay không người lái và các vũ khí phòng thủ quan trọng khác trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang phải đối mặt với các mối đe dọa hỗn hợp, bao gồm các cuộc tấn công mạng, phá hoại và xâm nhập cơ sở hạ tầng quan trọng. Châu Âu cũng sẽ cần bảo vệ quyền tiếp cận của mình vào lĩnh vực hàng hải, hàng không, mạng và không gian.

Tài liệu nêu rõ: “Những diễn biến địa chính trị nêu bật nhu cầu cấp thiết đối với châu Âu trong việc chịu trách nhiệm lớn hơn về an ninh của chính mình và chuẩn bị để đối phó một cách hiệu quả với các mối đe dọa mà khu vực này phải đối mặt”.

Ban đầu EC dự định trình bày chiến lược công nghiệp quốc phòng mới vào tháng 11/2023, nhưng một số quốc gia trong liên minh tỏ ra nghi ngờ về ý tưởng này. Như mạng tin Euractiv đã chỉ ra, các câu hỏi đã được đặt ra về tính hiệu quả của chiến lược trong trường hợp không có nguồn vốn đáng kể để thực hiện và khuyến khích tài chính để các quốc gia thành viên hợp tác mua sắm chung. Ngoài ra, EC vẫn chưa đề xuất một khung pháp lý đảm bảo an ninh cho việc cung cấp các sản phẩm quốc phòng.

Ủy viên Thị trường Nội bộ EU Thierry Breton, người chịu trách nhiệm về ngành công nghiệp quốc phòng của EU, cho biết vào tháng 1 rằng liên minh sẽ cần 100 tỷ euro cho EDIS, nhưng khối không có nguồn lực như vậy trong ngân sách của mình. Về vấn đề này, Brussels hy vọng sẽ có sự tham gia của Ngân hàng Đầu tư châu Âu vào việc tài trợ, vốn cho đến nay vẫn chưa đồng ý tham gia vào việc này.

Sergey Oznobishchev, người đứng đầu Ban Dự án Nghiên cứu và Phân tích Quân sự-Chính trị thuộc Trung tâm An ninh Quốc tế tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO RAS) của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định tất cả các nước châu Âu đều có động cơ để mở rộng sản xuất quốc phòng trong bối cảnh quân sự và chính trị gần đây. Chuyên gia này dự báo: “Tuy nhiên, mọi người sẽ thấy rằng cách tiếp cận như vậy sẽ đi vào ngõ cụt ở đâu đó trong tương lai gần và họ sẽ phải xem xét lại nhu cầu cùng nhau hạn chế vũ khí, kể cả ở châu Âu, theo các thỏa thuận mới”.

Vũ Thanh/Báo Tin tức
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới