Điều gì sẽ xảy ra khi Nga hạn chế xuất khẩu urani làm giàu sang Mỹ?
17/11/2024 11:13
Chính phủ Nga đã áp đặt các hạn chế tạm thời đối urani làm giàu xuất khẩu sang Mỹ. Theo hạn chế mới, các công ty vẫn có thể xuất khẩu urani sang Mỹ theo giấy phép một lần do Cơ quan Kiểm soát Kỹ thuật và Xuất khẩu Liên bang cấp.
Theo đài Sputnik, đây là động thái đáp trả sau khi Chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden ký luật cấm nhập khẩu urani của Nga cho đến năm 2040, các trường hợp ngoại lệ vẫn được phép nhập khẩu cho đến năm 2028.
Nội dung hạn chế nêu rõ rằng các sản phẩm urani làm giàu thấp, chưa qua chiếu xạ và được sản xuất ở Liên bang Nga hoặc do các công ty Nga sản xuất sẽ không được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hạn chế này được đưa ra bất chấp lo ngại rằng động thái này có thể phản tác dụng đối với nền kinh tế Mỹ.
Lệnh cấm của Nga có thể gây ra hậu quả gì?
Nga là nhà cung cấp urani làm giàu lớn nhất thế giới. Nước này chiếm khoảng 44% công suất toàn cầu để phân tách các đồng vị urani cần thiết trong các lò phản ứng hạt nhân. Thị phần urani làm giàu của Nga có giá trị xuất khẩu ước tính là 2,7 tỷ USD.
Biện pháp của Nga có thể gây rủi ro tiềm ẩn cho các tiện ích vận hành lò phản ứng của Mỹ.
Năm 2023, Nga đã đáp ứng 27% lượng urani làm giàu cung cấp cho các lò phản ứng hạt nhân thương mại của Mỹ , với giá trị 574 triệu USD. Theo thống kê của Mỹ, con số này đã giảm gần 32% so với một năm trước.
Nga cũng là nhà cung cấp nhiên liệu nước ngoài hàng đầu của Mỹ cho các lò phản ứng hạt nhân thương mại của nước này trong năm 2022.
Ông Jonathan Hinze, Chủ tịch Công ty phân tích và thông tin thị trường nhiên liệu hạt nhân UxC, cho rằng với hạn chế này, một số nhà vận hành lò phản ứng có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp thay thế.
Dù có các mỏ urani riêng, nhưng năng lực làm giàu urani trong nước của Mỹ đã suy giảm.
Dự luật của ông Biden cấm nhập khẩu urani làm giàu của Nga cũng cung cấp khoảng 2,7 tỷ USD ngân sách tài trợ liên bang để thiết lập năng lực làm giàu mới tại Mỹ.
Hiện tại, Mỹ chỉ có một cơ sở làm giàu thương mại tại New Mexico do Tập đoàn Urenco của Anh, Hà Lan và Đức sở hữu.
Chi nhánh Urenco tại Mỹ cung cấp khoảng 1/3 lượng urani làm giàu được sử dụng trong các lò phản ứng của nước này.
Nhà phân tích hạt nhân Chris Gadomski nói với BloombergNEF: “Chúng tôi không có đủ urani làm giàu ở Mỹ. Họ nên dự trữ urani làm giàu để chuẩn bị cho kịch bản này xảy ra”.
Ngoài ra, các nhà phân tích cảnh báo rằng các hạn chế về nguồn cung urani có thể ảnh hưởng đến giá cả vì điều này sẽ tự động thúc đẩy nhu cầu từ các nguồn cung khác, nơi nhiên liệu làm giàu vẫn chưa được sản xuất với số lượng cần thiết.
Theo UxC, giá thầu cho đợt giao hàng urani vào tháng 11/2025 dự kiến tăng 4 USD lên 84 USD/pound sau động thái này.
Giá cổ phiếu của các công ty urani hoặc liên quan đến urani khác cũng đã tăng vọt. Giá cổ phiếu của Camec tại Canada tăng 6%, giá cổ phiếu của Ur-Energy và Uranium Energy tại Mỹ tăng lần lượt 10% và 13%.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu chính phủ xem xét các hạn chế xuất khẩu các vật liệu chiến lược như niken và titan để đáp trả chính sách trừng phạt của phương Tây. Ông Putin đồng thời nhấn mạnh các hạn chế nên được xem xét miễn là “điều này không gây hại cho chúng ta”.
Các bài viết cùng chuyên mục
Tấn công liều chết tại Pakistan, ít nhất 12 binh sĩ tử vong
Sáng kiến 'đột phá' tại G20 hướng tới thế giới công bằng và bền vững
Điện Kremlin: Tổng thống Putin sẵn sàng đối thoại về Ukraine, kể cả với ông Trump
Tiền đề cho quan hệ đối tác lớn hơn giữa Việt Nam và Malaysia
Iran hy vọng đàm phán hạt nhân không chịu 'sức ép chính trị'
Lát hành tây mỏng nhưng khiến McDonald’s phải chi tới cả trăm triệu USD
Truyền thông Mexico đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương
Goldman Sachs dự báo giá vàng trong năm 2025
Trên 20.000 người Haiti phải di dời do bạo lực băng nhóm tội phạm
Các hiệp định thương mại tự do là chìa khóa cho sự thịnh vượng của châu Á