Cựu Tổng thống Nga tuyên bố cứng rắn về hậu quả đối với binh sỹ NATO ở Ukraine
05/04/2024 14:01
Cựu Tổng thống Nga tuyên bố toàn bộ binh sĩ phương Tây ở Ukraine sẽ bị coi là kẻ thù, quân nhân Nga nên được thưởng hậu nếu tiêu diệt được họ.
Theo đài RT, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 4/4 cho rằng nên treo tiền thưởng cho việc tiêu diệt binh sĩ NATO nếu họ được triển khai ở Ukraine để chiến đấu chống lại quân đội Nga.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X (tên mới của Twitter), ông Medvedev chỉ trích những người phương Tây ủng hộ Kiev, cho rằng họ đang "coi cả thế giới là những kẻ ngu ngốc" nếu tin rằng việc gửi lực lượng nước ngoài tới Ukraine sẽ không dẫn đến leo thang nguy hiểm. Ông tuyên bố nếu binh sĩ NATO đến Ukraine, họ sẽ không bị giới hạn ở vai trò phi chiến đấu.
“Họ sẽ trở thành một phần của lực lượng chính quy đang chiến đấu chống lại chúng ta. Đó là lý do tại sao họ sẽ bị đối xử như kẻ thù”, ông Medvedev, người hiện giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga, viết. “Chúng ta không nên bắt tù binh! Phần thưởng cao nhất phải được trao cho mỗi lính NATO thiệt mạng”.
Ông Medvedev đã đưa ra bình luận trên khi thảo luận về khả năng NATO cử quân nhân đến "quản lý và tổ chức" ở Ukraine.
Các doanh nhân và nhà hoạt động Nga trước đây đã từng treo thưởng cho việc phá hủy xe tăng do phương Tây sản xuất ở Ukraine.
Theo tờ Newsweek, NATO vẫn chưa đưa quân tới Ukraine và người đứng đầu khối này, ông Jens Stoltenberg đã bác bỏ ý kiến cho rằng một hành động như vậy sẽ được thực hiện trong tương lai gần. Tuy nhiên, trong cuộc họp hôm 3/4, ông Stoltenberg kêu gọi các ngoại trưởng NATO lên kế hoạch hỗ trợ quân sự lâu dài cho Kiev. Hành động này sẽ bao gồm hỗ trợ và đào tạo về an ninh, cũng như tham gia nhiều hơn vào việc phối hợp cung cấp vũ khí và thiết bị cho Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thu hút sự chú ý của quốc tế vào tháng 2 sau khi nói rằng ông không thể loại trừ khả năng binh lính phương Tây cuối cùng sẽ được gửi đến Ukraine. Ông Macron đã rút lại quan điểm này vài ngày sau đó, nhưng kể từ đó, ông nói rằng chủ đề triển khai quân đội phương Tây để hỗ trợ Ukraine phòng thủ trước Nga không nên bị giới hạn. Bộ trưởng Ngoại giao Stephane Sejourne cũng cho biết vào tháng 2 rằng Pháp có thể gửi nhân viên rà phá bom mìn và các nhân viên phi chiến đấu khác vào một thời điểm nào đó.
Trong cuộc điện đàm hiếm hoi giữa các bộ trưởng quốc phòng Nga – Pháp hôm 3/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã cảnh báo người đồng cấp Sebastien Lecornu rằng việc đưa quân đội Pháp tới Ukraine sẽ gây ra hậu quả tai hại cho Paris.
Cuộc gọi kéo dài một giờ là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa các bộ trưởng quốc phòng Nga và Pháp kể từ tháng 10/2022. Theo thông tin do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp, tại cuộc trao đổi, ông Shoigu cảnh báo rằng Pháp “sẽ tự tạo ra rắc rối cho chính mình” nếu gửi quân tới Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga cũng cho biết ông Shoigu và người đồng cấp Pháp đã thảo luận về khả năng khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine. “Sự sẵn sàng đối thoại về Ukraine đã được ghi nhận. Điểm khởi đầu có thể dựa trên sáng kiến hòa bình ở Istanbul”, bộ này cho biết trong một tuyên bố và nói thêm rằng hội nghị thượng đỉnh do Thụy Sĩ đăng cai tổ chức sẽ “vô ích nếu không có sự tham gia của Nga”.
Về phần mình, theo Bộ Quốc phòng Pháp, Bộ trưởng Lecornu nhắc lại trong cuộc gọi rằng “Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine lâu dài và mạnh mẽ khi cần thiết trong cuộc đấu tranh vì tự do và chủ quyền, nhằm mang lại hòa bình và an ninh cho lục địa châu Âu”.
Một nguồn tin thân cận với ông Lecornu phủ nhận với hãng tin AFP rằng Bộ trưởng Lecornu đã thảo luận về các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng với Ukraine. Nguồn tin cho biết: “Pháp không chấp nhận hay đề xuất bất cứ điều gì tương tự”.
Các cuộc đàm phán hòa bình có ý nghĩa giữa Nga và Ukraine đã đổ vỡ vào mùa xuân năm 2022, khi cả hai bên đều cáo buộc nhau đưa ra những yêu cầu phi thực tế.
Moskva tuyên bố họ sẽ coi quân đội phương Tây và các hệ thống vũ khí do nước ngoài cung cấp trên đất Ukraine là mục tiêu hợp pháp, và việc NATO triển khai quân tới Ukraine sẽ đẩy khối này đến bờ vực xung đột toàn diện với Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh vào tháng trước rằng việc triển khai lực lượng nước ngoài sẽ là một sự leo thang lớn, dẫn đến “những hậu quả không thể khắc phục được”. Tổng thống Nga, Vladimir Putin trước đó cảnh báo sẽ “chỉ còn một bước nữa là có thể xảy ra Thế chiến thứ ba toàn diện”.
Các bài viết cùng chuyên mục
Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản
Căng thẳng về nước ở Trung Á: Cơ hội hợp tác hay nguy cơ xung đột?
Liban đình chỉ các lớp học trực tiếp tại khu vực Beirut
Các nước Nam Mỹ chúc mừng Tổng thống đắc cử Uruguay
Kế hoạch trục xuất người nhập cư của ông Trump có thể tổn hại đến kinh tế Mỹ
Kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống vòng 1 ở Romania
Các giáo phái ở Pakistan đạt thỏa thuận ngừng bắn
Triển vọng lệnh ngừng bắn tại Ukraine trong năm 2025
Nhà đầu tư tiền điện tử chôn kho báu trị giá hàng triệu USD thách thức cộng đồng tìm kiếm
New York cấp tốc áp phí lái xe vào Manhattan trước khi ông Trump nhậm chức