Cuộc thi dịch tiếng Việt chuyên nghiệp toàn Nga lần thứ ba
31/03/2024 16:14
Ngày 30/3 tại trường đại học Quan hệ quốc tế MGIMO, Bộ ngoại giao LB Nga, đã diễn ra cuộc thi phiên dịch của các sinh viên học tiếng Việt và Việt Nam học trên toàn nước Nga ở trình độ chuyên nghiệp. Hai kỳ trước là cuộc tranh tài của các sinh viên năm cuối và học viên cao học. Năm nay lần đầu tiên cuộc thi dành sân chơi cho sinh viên năm thứ hai.
Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, cuộc thi được tổ chức theo hình thức hỗn hợp, với hình thức trực tiếp cho các sinh viên tại Moskva, và trực tuyến cho sinh viên các thành phố khác như Vladivostok - thành phố có múi giờ sớm hơn Moskva tới 5 giờ, và St. Petersburg, một trung tâm dạy tiếng Việt lớn khác của LB Nga.
Hình thức thi dành cho 21 sinh viên đại diện cho ba khối là năm cuối, năm hai và cao học, gần tương đồng, bao gồm dịch nói Nga-Việt, Việt-Nga những câu ngắn thuộc lĩnh vực chính trị-xã hội. Các em năm cuối thì so tài với học viên cao học trong dịch nói những đoạn văn khoảng 200 từ. Trong 40 giây chuẩn bị, các nhà Việt Nam học tương lai sẽ cần phải chuyển dịch từ tiếng Nga mẹ đẻ sang tiếng Việt và ngược lại thông tin về chuyến thăm chính thức cấp nhà nước, về thực trạng nền kinh tế Nga hay vai trò của ASEAN.
Ban giám khảo gồm những phiên dịch chuyên nghiệp và có thâm niên của Nga và Việt Nam, cựu Đại sứ Nga tại Việt Nam Andrey Tatarinov, các nhà ngoại giao Nga hiện công tác tại Việt Nam, tham tán, người thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga Đoàn Khắc Hoàng, Giám đốc Quỹ "Truyền thống và Hữu nghị" Nguyễn Quốc Hùng. Vì vậy ngoài những đánh giá chuyên môn cho các thí sinh thì chính các thành viên ban giám khảo còn là hình mẫu về nghề nghiệp tương lai cũng như tấm gương về con đường sự nghiệp trong chuyên ngành Việt Nam học.
Phát biểu khai mạc cuộc thi, Phó Giáo sư ngôn ngữ học, trưởng Ban đào tạo ngôn ngữ MGIMO Marina Chigasheva nhấn mạnh rằng Việt Nam luôn có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của LB Nga. Bà đặc biệt lưu ý đến những sự kiện tích cực gần đây nhất trong quan hệ song phương như cuộc điện đàm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Vladimir Putin hôm 26/3, trong đó có đề cập đến hợp tác kinh tế thương mại và nhiều định hướng hợp tác khác.
Bà Chigasheva cho rằng việc cuộc thi được tổ chức lần thứ ba và chắc chắn sẽ trở thành thường niên nói lên tính chất bền vững của quan hệ giữa hai nước và kèm theo đó thể hiện nhu cầu thực tế đối với nghề phiên dịch tiếng Việt, Việt Nam học tại LB Nga.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giám đốc Quỹ hỗ trợ hợp tác Nga-Việt "Truyền thống và Hữu nghị" Nguyễn Quốc Hùng, cũng là một dịch giả Nga-Việt có thâm niên, cho biết, đồng hành cùng cuộc thi sang mùa thứ ba, ông nhận thấy chất lượng cuộc thi ngày càng tăng. Lo ngại về một khoảng trống nối tiếp giữa các thế hệ Việt Nam học tại Nga cũng như Nga học tại Việt Nam, ông Hùng khẳng định Quỹ sẽ tập trung hoạt động tài trợ cho việc khích lệ, động viên các em sinh viên cũng như các thầy cô giáo trong dạy và học tiếng Việt và tiết lộ Quỹ đang mong muốn xúc tiến và sẵn sàng hỗ trợ đưa tiếng Việt vào dạy trong các trường phổ thông Nga.
Tham tán Vụ châu Á 3 Bộ Ngoại giao Nga Ivan Nesterov ghi nhận công tác tổ chức cuộc thi ngày càng chuyên nghiệp, thu hút được sự tham gia của sinh viên trên toàn nước Nga. Ông vui mừng xác nhận mối quan tâm đến tiếng Việt đang gia tăng trong những năm gần đây từ phía chính quyền cũng như doanh nghiệp Nga, và tin tưởng rằng với đường lối xoay trục sang hướng Đông của Nga đang ngày càng được củng cố thì số lượng các chuyên gia tiếng Việt được đào tạo sẽ càng tăng.
Qua ba kỳ tổ chức với con số sinh viên tham gia ngày càng tăng, cuộc thi dịch đã khẳng định sức hấp dẫn và chất lượng trong việc dạy và học tiếng Việt tại LB Nga. Với những sinh viên thi lần thứ hai, thứ ba, cuộc thi là dấu mốc về sự tiến bộ, còn với những sinh viên lần đầu tham dự, vai trò đại sứ ngôn ngữ dẫu nghe rất vinh dự, song không hề dễ dàng.
Mikhail - học viên cao học năm thứ nhất MGIMO, vẫn chưa hết run sau khi thi, chia sẻ rằng anh muốn kiểm chứng khả năng nói tiếng Việt, so sánh với các bạn cùng nghề từ tất cả các nơi trên nước Nga. Đã học bốn năm đại học và một năm cao học song dịch Nga-Việt vẫn là một thử thách "toát mồ hôi" với Mikhail.
Còn với Arina - sinh viên i học ngôn ngữ quốc gia Moskva (MGLU), cuộc thi là một thử thách rất khó, sự cạnh tranh cao. Trong lần đầu dự thi, kết quả chưa cao không làm Arina nản lòng mà càng khiến em quyết tâm hơn trong cuộc thi lần sau, cũng như không làm "lung lay" quyết tâm theo đuổi nghề tiếng Việt.
Với ba nhóm đối tượng thi, cơ cấu giải thưởng cũng chia thành ba nhóm giải. Ban tổ chức cũng dành những giải "đặc biệt" cho người phát âm hay nhất, giải cho ý chí giành chiến thắng cao nhất.
Phần thưởng từ cuộc thi, những lời động viên từ nhà ngoại giao kỳ cựu A. Tatarinov và tham tán, người thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga Đoàn Khắc Hoàng, đại diện Trung tâm ASEAN tại MGIMO, đã khép lại cuộc thi, nhưng cũng mở ra một chặng đường phấn đấu và rèn luyện mới của các nhà Việt Nam học tương lai, một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ những người đang vun đắp và phát triển quan hệ giữa Việt Nam và LB Nga.
Các bài viết cùng chuyên mục
Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản
Căng thẳng về nước ở Trung Á: Cơ hội hợp tác hay nguy cơ xung đột?
Liban đình chỉ các lớp học trực tiếp tại khu vực Beirut
Các nước Nam Mỹ chúc mừng Tổng thống đắc cử Uruguay
Kế hoạch trục xuất người nhập cư của ông Trump có thể tổn hại đến kinh tế Mỹ
Kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống vòng 1 ở Romania
Các giáo phái ở Pakistan đạt thỏa thuận ngừng bắn
Triển vọng lệnh ngừng bắn tại Ukraine trong năm 2025
Nhà đầu tư tiền điện tử chôn kho báu trị giá hàng triệu USD thách thức cộng đồng tìm kiếm
New York cấp tốc áp phí lái xe vào Manhattan trước khi ông Trump nhậm chức