Chỉ cùng một tuần, Trung Quốc tất bật tiếp phái đoàn từ hai 'điểm nóng'
28/07/2024 11:09
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị được cho là đã có một tuần bận rộn khi liên tiếp đón 2 phái đoàn từ hai điểm xung đột đầy rẫy như Ukraine và Gaza.
Theo đài truyền hình CNN, đầu tuần qua, Ngoại trưởng Vương Nghị đã tổ chức các cuộc đàm phán hòa giải giữa 14 phe phái Palesitne, bao gồm cả những đối thủ “không đội trời chung” Hamas và Fatah, thành công đưa họ đi đến một thỏa thuận hòa giải.
Sang ngày 24/7, Ngoại trưởng Vương Nghị tiếp người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tiếp đón một quan chức hàng đầu Ukraine kể từ Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt hơn 2 năm trước.
Chính sách ngoại giao đan xen liên quan chặt chẽ đến các cuộc chiến tranh khốc liệt ở Gaza và Ukraine diễn ra khi Bắc Kinh đang nỗ lực thể hiện mình là một thế lực địa chính trị nặng ký trong một thế giới ngày càng bị chia rẽ bởi cả hai cuộc xung đột.
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine Kuleba, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết Bắc Kinh ủng hộ mọi nỗ lực hướng tới hòa bình, đánh dấu nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm khẳng định mình là nhà môi giới hòa bình “trung lập” trong cuộc xung đột.
Kết thúc cuộc hòa giải giữa các phe phái Palestine một ngày trước đó, Ngoại trưởng Vương Nghị ca ngợi động thái ký kết một tuyên bố chung “chấm dứt sự chia rẽ”. Ông Vương cho biết, bất chấp những hoài nghi trong quá khứ, thỏa thuận này là mang dấu mốc “thời điểm lịch sử trong sự nghiệp giải phóng Palestine”.
Các chuyên gia đánh giá đối với chính phủ Trung Quốc, một tuần ngoại giao của Ngoại giao Vương Nghị mang đến cơ hội phát huy hình ảnh mong muốn: đất nước trở thành một bên tham gia hiệu quả trong các cuộc xung đột khó giải quyết và là một nhà hòa giải thay thế cho Mỹ.
Mong muốn của Trung Quốc là “được công nhận và chấp nhận với tư cách là một nhà lãnh đạo toàn cầu. Nước này tìm cách thực hiện điều đó bằng cách tranh thủ sự ủng hộ của các nước Nam Bán cầu, nơi đông đảo hơn cả về dân số và quốc gia so với phương Tây dân chủ,”, Steve Tsang, giám đốc Viện SOAS Trung Quốc tại Đại học London, nhận định.
Tuy nhiên, các cuộc gặp cũng báo hiệu một số hạn chế mà Bắc Kinh đang gặp phải. Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng một giải pháp ở Gaza mà không có ảnh hưởng sâu sắc trong khu vực và kêu gọi hòa bình ở Ukraine trong khi vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với Nga.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Kuleba là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao Ukraine đến Trung Quốc trong gần 29 tháng xung đột giữa Nga và Ukraine. Ngược lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Trung Quốc 2 lần và các quan chức Điện Kremlin đã thực hiện nhiều chuyến đi trong cùng thời gian.
Trước đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các nhà lãnh đạo châu Âu khác bày tỏ hy vọng rằng Trung Quốc có thể sử dụng mối quan hệ chặt chẽ với Nga để thúc đẩy hòa bình theo những điều kiện được Kiev chấp nhận. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Kuleba diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang chịu áp lực ngày càng tăng từ phương Tây về mối quan hệ với Nga và những cáo buộc rằng nước này đang hỗ trợ chiến tranh cho Moskva. Về phần mình, Bắc Kinh phủ nhận điều này và nói rằng phương Tây đang làm xung đột leo thang bằng cách cung cấp vũ khí cho quốc phòng Ukraine.
Trong một tuyên bố khi ở Quảng Châu (Trung Quốc), Ngoại trưởng Ukraine Kuleba ngày 23/7 đã bày tỏ hy vọng sẽ có các cuộc đàm phán “rộng rãi, chi tiết, thực chất” tập trung vào vấn đề hòa bình ở Ukraine.
Tuy nhiên, các tuyên bố chính thức từ Bắc Kinh và Kiev sau cuộc hội đàm của hai ngoại trưởng một ngày sau đó lại không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy nhà ngoại giao cấp cao của Ukraine đã thuyết phục Bắc Kinh hướng tới tầm nhìn hòa bình của Kiev.
Thay vào đó, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh lại những tuyên bố trước đây của Bắc Kinh và lời kêu gọi “giải pháp chính trị”. Năm ngoái, Trung Quốc đã đưa ra quan điểm về một thỏa thuận như vậy, trong đó ủng hộ lệnh ngừng bắn mà không yêu cầu quân đội Nga phải rút quân trước, một quan điểm bị Kiev và các nước phương Tây chỉ trích. Không bên nào đề cập đến việc cung cấp hỗ trợ vật chất hoặc kinh tế cho Nga trong các tuyên bố chính thức.
Theo Bộ Ngoại giao Bắc Kinh, Ngoại trưởng Vương Nghị dường như đã để ngỏ cánh cửa cho Ukraine dựa vào Trung Quốc với tư cách là nhà hòa giải. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, mặc dù các điều kiện và thời gian vẫn chưa sẵn sàng, nhưng Bắc Kinh luôn sẵn sàng đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc hướng tới một lệnh ngừng bắn và nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.
Các nhà quan sát nhận định sẽ đến một lúc nào đó, Bắc Kinh có thể đóng một vai trò trong bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào trong tương lai, nhưng khó có thể thay đổi mối quan hệ với Nga. Theo giới quan sát, Trung Quốc vẫn luôn coi nước láng giềng phía bắc là một đối tác quan trọng trong việc đẩy lùi trật tự thế giới và không muốn Nga phải chịu một thất bại nặng nề.
Các bài viết cùng chuyên mục
Nhà đầu tư tiền điện tử chôn kho báu trị giá hàng triệu USD thách thức cộng đồng tìm kiếm
New York cấp tốc áp phí lái xe vào Manhattan trước khi ông Trump nhậm chức
Mỹ đề nghị Israel đảm bảo an toàn cho lực lượng UNIFIL ở Liban
Giới hạn quyền lực của ông Trump trong đảng Cộng hoà
Lý do Nga sử dụng tên lửa IRBM đáp trả việc Ukraine tấn công bằng tên lửa tầm xa
Iran kích hoạt máy ly tâm mới nhằm đáp trả nghị quyết của IAEA
Cuộc sống bên trong ở thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Bitcoin lập kỷ lục mới, tiến sát ngưỡng 100.000 USD
Lực lượng hùng hậu của Fox News trong nội các Trump 2.0
Bão tuyết ở Phần Lan khiến 80.000 hộ gia đình mất điện