Ba Lan và EU tìm cách thắt chặt hoạt động buôn bán khí hóa lỏng của Nga

14/01/2025 11:06

Ba Lan và 9 nước Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy ngăn chặn hàng tỷ euro của Nga bằng cách thắt chặt hạn chế hoạt động xuất khẩu khí hóa lỏng của Moskva.

Chú thích ảnh

Cơ sở khí đốt tự nhiên Bovanenkovo ở bán đảo Yamal, Tây Bắc Siberia, thuộc Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo tờ Politico, trong một đề xuất chung, 10 quốc gia bao gồm Ba Lan, Estonia, Latvia, Lítva, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan, Séc, Romania và Ireland, đã thúc giục các hành động tiếp theo để đóng các lỗ hổng và nhắm vào hoạt động bán LNG của Nga.

Ba Lan đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU vào đầu năm nay, trao cho nước này quyền thiết lập chương trình nghị sự tại Brussels.

Các quốc gia này cho rằng Nga đã kiếm được hơn 200 tỷ euro nhờ bán nhiên liệu hóa thạch cho EU kể từ cuộc xung đột Ukraine diễn ra vào tháng 2/2022 và lượng LNG nhập khẩu từ Nga đã tăng 11% trong nửa đầu năm 2024.

Tài liệu mà Politico tiếp cận được viết: “Khả năng duy trì các nỗ lực của Nga trong cuộc xung đột gắn chặt với doanh thu năng lượng của nước này”. EU đặt ra nhiệm vụ phải giải quyết vấn đề nhập khẩu LNG ngày càng tăng của Nga. Mục tiêu cuối cùng là cần phải cấm nhập khẩu khí đốt và LNG của Nga sớm nhất có thể.

Mặc dù châu Âu cam kết giảm phụ thuộc vào Nga, nhưng Moskva vẫn là nhà cung cấp LNG đường biển chính cho khối này.

Dữ liệu do công ty tình báo Kpler thu thập cho thấy EU đã nhập khẩu 472.000 tấn khí hóa lỏng chỉ tính riêng từ đầu năm nay, cao hơn đáng kể so với mức trung bình trước xung đột.

Nhóm các nước này cho biết, trong khi có thể loại bỏ dần dần khí đốt của Nga, Brussels cần tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với đội tàu chở LNG của nước này, cấm cập cảng và các dịch vụ hàng hải trên lãnh thổ EU.

Các biện pháp được đề xuất cũng mở rộng sang lệnh cấm mới đối với nhập khẩu kim loại như nhôm từ Nga, cắt giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân của Nga, hợp lý hóa và cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các cuộc thanh tra biên giới và trừng phạt các tổ chức tài chính ở các nước thứ ba cho phép Moskva lách luật của ngân hàng phương Tây.

Tài liệu cũng đề cập đến việc hạn chế đối với tài sản tiền điện tử.

Với việc Ba Lan giữ chức chủ tịch luân phiên, Ủy ban châu Âu dự kiến ​​sẽ đưa ra một đợt trừng phạt mới chống lại Nga thời gian tới, trong bối cảnh có áp lực phải rút hết ngân sách dành cho xung đột của Điện Kremlin trước thềm kỷ niệm ba năm cuộc xung đột Ukraine vào tháng tới.

Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã tuyên bố phản đối những hạn chế mới đối với lĩnh vực năng lượng, trong khi nước láng giềng Slovakia đang thúc đẩy việc tăng nhập khẩu khí đốt của Nga thay vì chấm dứt nhập khẩu.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo Politico)
Nguồn baotintuc.vn
Viết bình luận mới