Argentina phát hiện hóa thạch nòng nọc khủng long lâu đời nhất thế giới
01/11/2024 13:39
Ngày 30/10, Hội đồng Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Quốc gia Argentina (CONICET) thông báo một nhà khảo cổ nước này đã phát hiện hóa thạch nòng nọc khủng long dài 16 cm, có niên đại khoảng 165 triệu năm, ở tỉnh miền Nam Santa Cruz.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, mẫu vật được tìm thấy thuộc loài Notobatrachus degustoi - tổ tiên của loài ếch và cóc ngày nay. Đây là mẫu hóa thạch lâu đời nhất về nòng nọc được phát hiện trên thế giới vào giai đoạn giữa kỷ Jura tại Patagonia của Argentina.
Tiến sĩ Matías Motta tại CONICET, cho biết việc ông phát hiện hóa thạch này rất tình cờ khi đang trong chuyến thám hiểm do các nhà khoa học thuộc Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Argentina “Bernardino Rivadavia” và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tổ chức để tìm kiếm hóa thạch khủng long tại trang trại mang tên La Matilde, tại Santa Cruz. Ông nhặt một phiến đá trong giờ nghỉ trưa và nhận thấy có xương cùng dấu vết in trên đá. Loài nòng nọc này được biết đến từ năm 1957 sau khi các nhà khoa học phát hiện ra những bộ xương tại trang trại, bảo tồn những đặc điểm “nguyên thủy” không có ở ếch và cóc hiện nay. Việc phát hiện ra nòng nọc khủng long lần này trong tình trạng được bảo quản tốt sẽ cho phép các nhà khoa học hiểu về sự tiến hóa của các loài ếch và cóc.
Nhà sinh vật học Mariana Chuliver, chuyên gia Quỹ Lịch sử Tự nhiên Félix Azara, chuyên gia đầu tiên tham gia vào công trình khảo cổ này cho biết một số nhà nghiên cứu nói rằng có lẽ hầu hết các loài cóc cổ đại đều không trải qua giai đoạn nòng nọc. Tuy nhiên, phát hiện này cho thấy nhận định đó không chính xác.
Thành viên nhóm nghiên cứu, chuyên gia Federico Agnolín tại Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Argentina “Bernardino Rivadavia” thuộc CONICET nhấn mạnh sự khan hiếm hóa thạch nòng nọc khiến nguồn gốc và sự tiến hóa ban đầu của giai đoạn ấu trùng trở nên bí ẩn. Ếch trưởng thành có mặt trong hồ sơ hóa thạch từ kỷ Triassic muộn (khoảng 217-213 triệu năm trước), nhưng nòng nọc chưa được ghi nhận trước kỷ Phấn trắng (khoảng 145 triệu năm trước).
Theo CONICET, dựa trên phân tích phát sinh gene của ấu trùng lưỡng cư thời hiện tại và hóa thạch trên, nghiên cứu đã giúp xác định được nòng nọc Notobatrachus rất gần với nhóm bao gồm tất cả các loài ếch và cóc hiện tại. Đầu, hầu hết cơ thể và một phần đuôi cũng như mắt, dây thần kinh và chi trước của hóa thạch đều có thể quan sát thấy. Điều này chứng tỏ nòng nọc đang ở giai đoạn tiến hóa cuối cùng để trở thành một sinh vật lưỡng cư trưởng thành.
Các nhà khoa học cho rằng quá trình tiến hóa của giai đoạn ấu trùng trải qua rất ít thay đổi trong 160 triệu năm và nòng nọc nguyên thủy kiếm ăn theo cách giống như nòng nọc ngày nay.
Các bài viết cùng chuyên mục
Lý do Nga sử dụng tên lửa IRBM đáp trả việc Ukraine tấn công bằng tên lửa tầm xa
Iran kích hoạt máy ly tâm mới nhằm đáp trả nghị quyết của IAEA
Cuộc sống bên trong ở thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Bitcoin lập kỷ lục mới, tiến sát ngưỡng 100.000 USD
Lực lượng hùng hậu của Fox News trong nội các Trump 2.0
Bão tuyết ở Phần Lan khiến 80.000 hộ gia đình mất điện
COP29: Bế tắc trong dự thảo tuyên bố chung khi thời điểm bế mạc gần kề
Nền kinh tế thời chiến của Nga đang chạm đến điểm giới hạn?
Tấn công liều chết tại Pakistan, ít nhất 12 binh sĩ tử vong
Sáng kiến 'đột phá' tại G20 hướng tới thế giới công bằng và bền vững