40 triệu người tại Trung Đông đối mặt với nạn đói trong tháng lễ Ramadan
12/03/2024 16:49
Ngày 11/3, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc cho biết Trung Đông đã bắt đầu tháng lễ Ramadan giữa lúc khu vực đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong những năm gần đây. Tổ chức này đồng thời cảnh báo các nguồn viện trợ ngày càng sụt giảm đã ảnh hưởng đến nỗ lực xoa dịu khủng hoảng lương thực.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông - Bắc Phi, WFP nêu rõ 40 triệu trong tổng số 400 triệu người ở Trung Đông đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng. 11 triệu người trong số đó không thể đảm bảo đủ lương thực hằng ngày cho gia đình. Đặc biệt, WFP nhấn mạnh cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn biến phức tạp ở Dải Gaza, nơi toàn bộ dân số của dải đất ven Địa Trung Hải này đang cần được hỗ trợ lương thực, với hơn nửa triệu người phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Trong nhiều tháng qua, Dải Gaza nhận được chưa đến một nửa nguồn cung cấp lương thực cần thiết.
Lạm phát cao ở các quốc gia như Liban, Ai Cập và Iran, cũng như hậu quả của các cuộc xung đột ở Syria và Yemen cùng các cuộc chiến vẫn tiếp diễn ở Gaza và Sudan đã "phá hủy" sự ổn định gần đây của giá lương thực trên toàn cầu. Giá lương thực và nhiên liệu đã tăng cao kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, giữa lúc nền kinh tế toàn cầu đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19. Cả hai nước này đều là những nước xuất khẩu ngũ cốc chủ chốt trên thế giới.
Giám đốc khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Đông Âu của WFP, bà Corinne Fleischer, đánh giá tháng lễ Ramadan đã trở thành gánh nặng đối với hàng triệu người tại Trung Đông khi họ phải đối mặt với giá lương thực cao, trong khi thu nhập vẫn bấp bênh. Bà cho rằng xung đột và tình trạng thiếu lương thực đang biến "việc thực hành tôn giáo ăn chay có chủ đích - nền tảng của tháng lễ Ramadan - trở thành một thực tế khắc nghiệt hằng ngày đối với hàng triệu người".
Trong khi đó, chuyên gia Paola Vesco, nhà nghiên cứu cao cấp về hòa bình và xung đột tại Đại học Uppsala (Thụy Điển), nhận xét: "Xung đột vũ trang và hạn hán nằm trong những nguyên nhân lớn nhất gây mất an ninh lương thực, và những cú sốc này có thể phức tạp đến mức tác động tổng thể của chúng lớn hơn tổng tác động riêng lẻ. Chẳng hạn, xung đột vũ trang có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng y tế, làm giảm khả năng tiếp cận nguồn nước, buộc mọi người phải rời bỏ nhà cửa". Bà Vesco nói thêm, người tị nạn và người xin tị nạn là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Họ phải sống trong tình trạng tạm bợ và có thể phải chịu nhiều tác động hơn từ các cú sốc khí hậu như lũ lụt hoặc hạn hán. Trong khi đó, chuyên gia Peter Harling, người có nhiều năm làm việc với các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức quốc tế ở Trung Đông, cho biết một lý do khiến tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng trong khu vực là sự tham gia ngày càng hạn chế của nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp.
WFP nêu rõ các hoạt động cứu trợ nhằm giúp đỡ 30 triệu người tại Trung Đông đã bị cắt giảm do thiếu hụt kinh phí nghiêm trọng. Bà Fleischer nói rằng các nguồn viện trợ nhân đạo hạn chế đã khiến cuộc sống của hàng triệu người trong khu vực trở nên khó khăn hơn. Việc cắt giảm viện trợ có nguy cơ gây ra tình trạng mất an ninh lương thực.
Các bài viết cùng chuyên mục
Nga là nhà cung cấp hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản
Căng thẳng về nước ở Trung Á: Cơ hội hợp tác hay nguy cơ xung đột?
Liban đình chỉ các lớp học trực tiếp tại khu vực Beirut
Các nước Nam Mỹ chúc mừng Tổng thống đắc cử Uruguay
Kế hoạch trục xuất người nhập cư của ông Trump có thể tổn hại đến kinh tế Mỹ
Kết quả sơ bộ bầu cử tổng thống vòng 1 ở Romania
Các giáo phái ở Pakistan đạt thỏa thuận ngừng bắn
Triển vọng lệnh ngừng bắn tại Ukraine trong năm 2025
Nhà đầu tư tiền điện tử chôn kho báu trị giá hàng triệu USD thách thức cộng đồng tìm kiếm
New York cấp tốc áp phí lái xe vào Manhattan trước khi ông Trump nhậm chức