Xuất khẩu tôm đạt gần 2,8 tỷ USD
16/10/2024 17:16
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), giá tôm nguyên liệu của Việt Nam ghi nhận có chuyển biến tích cực hơn kể từ tháng 7 cho đến nay.
Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng). Ảnh tư liệu: TTXVN
Cụ thể, giá tôm chân trắng nguyên liệu các cỡ 50, 80, 100 con/kg tăng đều kể từ tháng 7 đến tháng 9. Giá trung bình tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và châu Âu cũng ghi nhận tăng từ tháng 6. Giá xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản cũng ghi nhận tăng nhẹ.
Dự kiến giá tôm nguyên liệu vẫn sẽ tiếp tục khả quan trong quý IV/2024. Tuy nhiên, sẽ có khả năng thiếu nguyên liệu cục bộ do đây là giai đoạn Trung Quốc sẽ tăng mua cho nhu cầu lễ Tết Nguyên đán và đón năm mới, doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng cuối năm, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cảnh báo.
Trong 3 quý vừa qua, trong số các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, ngành tôm mang về kim ngạch xuất khẩu cao nhất, ước đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Bà Phùng Thị Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang một số thị trường lớn đều đạt kết quả khả quan. Theo quy luật hàng năm, xuất khẩu thường tăng tốc vào quý III. Tính đến cuối tháng 9/2024, xuất tôm sang Mỹ đạt 578 triệu USD, tăng 8%, xuất khẩu sang thị trường châu Âu đạt 350 triệu USD, tăng 15%, xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đạt 560 triệu USD, tăng 26%, xuất khẩu sang Nhật Bản ghi nhận kim ngạch 360 triệu USD, giảm 1% (mức giảm đã thấp hơn so với đầu năm).
Dẫn số liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), VASEP ghi nhận xuất khẩu tôm Việt Nam trên thị trường Mỹ tích cực hơn các đối thủ khác như Ấn Độ, Ecuador. Cũng theo đánh giá của VASEP, năm 2024, tôm đông lạnh xuất khẩu vẫn bị tác động bởi xu hướng giá chưa phục hồi rõ rệt, cùng với áp lực giá bán cạnh tranh với tôm Ecuador và Ấn Độ. Tuy nhiên, tôm chế biến của Việt Nam vẫn có vị thế tốt ở các thị trường.
Do vậy, tính đến cuối tháng 9, xuất khẩu tôm chân trắng chế biến vẫn tăng gần 10%, trong khi xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh tăng nhẹ hơn với mức 4,5%. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 2 tỷ USD, xuất tôm sú đạt 334 triệu USD, bà Phùng Thị Kim Thu cho biết thêm.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Năng lượng dẫn đà tăng của thị trường hàng hóa
Lãi suất ngân hàng ngày 12/5: Các ngân hàng có lãi suất từ 6%
Giá vàng ngày 12/5: Bảng giá tại các công ty vàng bạc đá quý
Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ khánh thành nhà máy sữa công suất lớn của TH tại Liên bang Nga
Tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung đẩy giá vàng đi xuống
Thị trường chứng khoán sôi động trở lại, nhà đầu tư ồ ạt mở tài khoản
Hợp tác kinh tế Việt Nam-Liên bang Nga đánh dấu bước tiến mới
Việt Nam và Belarus: Nhiều dư địa hợp tác kinh tế thương mại
Dầu mỏ thế giới có tuần tăng giá đầu tiên kể từ giữa tháng Tư
Cụ thể hóa quy định quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới