Dầu mỏ thế giới có tuần tăng giá đầu tiên kể từ giữa tháng Tư

10/05/2025 15:33

Tính chung cả tuần qua, giá dầu thế giới tăng hơn 4% - ghi nhận tuần tăng giá đầu tiên kể từ giữa tháng Tư giữa những lo ngại về nguồn cung và căng thẳng Ấn Độ-Pakistan.

Một nhà máy lọc dầu tại Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Một nhà máy lọc dầu tại Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

 

Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới chứng kiến những phiên tăng giảm đan xen, giữa những lo ngại về căng thẳng Ấn Độ-Pakistan và nguồn cung cùng với tâm lý lạc quan về đàm phán thương mại.

Tính chung cả tuần, giá dầu thế giới tăng hơn 4%, ghi nhận tuần tăng giá đầu tiên kể từ giữa tháng Tư.

Trong phiên đầu tuần 5/5, giá dầu xuống mức thấp nhất trong hơn bốn năm, do quyết định đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, đã làm dấy lên lo ngại về khả năng nguồn cung gia tăng trong khi triển vọng nhu cầu không chắc chắn.

Giá dầu lấy lại đà tăng trong phiên giao dịch ngày 6/5 nhờ một loạt dấu hiệu tích cực cho thị trường.

Các yếu tố này bao gồm nhu cầu cao hơn ở châu Âu và Trung Quốc, triển vọng sản lượng thấp hơn ở Mỹ, căng thẳng ở Trung Đông và hoạt động mua vào nổi lên sau khi giá giảm xuống mức thấp nhất trong hơn bốn năm.

Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận định rằng thị trường có thể đang chứng kiến một số hoạt động bắt đáy khi giá dầu đi xuống. Đây là yếu tố chính đóng góp vào đà phục hồi của giá dầu trong phiên này.

Bên cạnh đó, tình hình căng thẳng Ấn Độ-Pakistan cũng tác động tới giá dầu thế giới. Ngày 10/5, Tân Hoa Xã dẫn các nguồn tin cho biết Pakistan đã phát động một chiến dịch quân sự quy mô lớn mang tên Bunyanun Marsoos để đáp trả Ấn Độ. Theo các nguồn tin này, chiến dịch đang nhắm vào nhiều mục tiêu trên khắp Ấn Độ.

Trước tình hình trên, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kêu gọi Ấn Độ và Pakistan kiềm chế tối đa và tiến hành đối thoại trực tiếp trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia này.

 

Tuyên bố của G7 nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi giảm leo thang ngay lập tức và khuyến khích hai nước tham gia đối thoại trực tiếp hướng tới một giải pháp hòa bình."

Sau khi đi xuống trong phiên 7/5, giá dầu tăng mạnh khoảng 3% trong phiên 8/5, nhờ hy vọng về bước tiến mới trong các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Theo chuyên gia Ole Hvalbye của ngân hàng SEB, tâm lý lạc quan xoay quanh các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc đang hỗ trợ giá dầu.

Trong phiên cuối tuần 10/5, giá dầu tiếp tục tăng gần 2% sau khi thỏa thuận thương mại Mỹ-Vương quốc Anh khiến nhà đầu tư lạc quan hơn trước cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao từ Mỹ và Trung Quốc.

Chốt phiên này, giá dầu Brent tăng 1,07 USD, tương đương 1,7%, lên 63,91 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,11 USD, tương đương khoảng 1,9%, lên 61,02 USD/thùng.

Ngày 9/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Trung Quốc nên mở cửa thị trường cho Mỹ, và mức thuế 80% đối với hàng hóa Trung Quốc có vẻ phù hợp. Bình luận này được đưa ra một ngày sau khi ông công bố một thỏa thuận thương mại với Anh.

Ông Alex Hodes, nhà phân tích tại công ty môi giới StoneX, cho biết thị trường năng lượng cuối cùng cũng rũ bỏ một phần tâm lý bi quan và nắm bắt sự lạc quan chung của thị trường nhờ tiến bộ tiến trình đàm phán thương mại.

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh và bình luận của ông Trump về Trung Quốc đã làm dấy lên hy vọng về các thỏa thuận tương tự giữa Washington và Bắc Kinh. Bộ trưởng Tài chính Mỹ ông Scott Bessent dự kiến gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc, ông Hà Lập Phong tại Thụy Sỹ vào ngày 10/5.

 

Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo rằng biến động do căng thẳng thương mại gây ra trên thị trường dầu vẫn chưa kết thúc.

ttxvn-gia-dau-the-gioi-2.jpg

Giàn khoan dầu tại tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)

Ông Jim Ritterbusch từ công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates nhận định rủi ro toàn cầu từng khiến giá dầu dao động mạnh vài năm qua giờ đã được thay thế bằng yếu tố thuế quan - yếu tố này cũng sẽ liên tục biến động theo các tin tức mới từ chính quyền Tổng thống Trump.

Chuyên gia Jim Ritterbusch của công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates cho biết lượng dầu dự trữ toàn cầu có khả năng tăng lên trong những tháng tới, do nhu cầu được dự đoán sẽ giảm sút do tác động từ thuế quan.

Ông David Wech, nhà kinh tế trưởng tại công ty dữ liệu thị trường năng lượng Vortexa, cho rằng những lo ngại về nguy cơ suy thoái và nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu tinh chế yếu cũng đang đè nặng lên giá dầu.

Trong khi đó, OPEC+ mới đây đã nhất trí đẩy nhanh việc tăng sản lượng dầu tháng thứ hai liên tiếp, với mức tăng 411.000 thùng/ngày trong tháng Sáu.

Theo tính toán của hãng tin Reuters, mức tăng trong tháng Sáu từ tám nước này sẽ nâng tổng mức tăng sản lượng cộng gộp trong tháng Tư, tháng Năm và tháng Sáu lên 960.000 thùng/ngày, chiếm 44% mức giảm 2,2 triệu thùng/ngày kể từ năm 2022.

Chuyên gia Ole Hansen của ngân hàng Saxo Bank nhận định việc tăng sản lượng của OPEC+, do Saudi Arabia khởi xướng, vừa là để cạnh tranh với nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ, vừa là để trừng phạt các thành viên được hưởng lợi từ giá cao trong khi vẫn vi phạm quy định về hạn ngạch sản lượng đối với họ.

Ngân hàng Barclays đã hạ dự báo giá dầu Brent xuống còn 66 USD/thùng cho năm 2025 và 60 USD/thùng cho năm 2026, trong khi ngân hàng ING dự đoán giá dầu Brent trung bình sẽ ở mức 65 USD/thùng trong năm nay, thấp hơn ngưỡng 70 USD/thùng được dự báo trước đó.

Các chuyên gia tại công ty nghiên cứu Citi Research cũng đã hạ dự báo giá dầu Brent trong ba tháng tới từ 60 USD/thùng xuống còn 55 USD/thùng nhưng vẫn giữ nguyên dự báo trung bình cả năm ở mức 60 USD/thùng.

Citi cho rằng nếu Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, giá Brent có thể giảm về mức 50 USD/thùng do nguồn cung tăng. Ngược lại, nếu không đạt được thỏa thuận, giá dầu có thể vượt ngưỡng 70 USD/thùng./.

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới