Xuất khẩu thuận lợi, ngành nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng 3,2-4% năm 2024

10/10/2024 07:18

Mặc dù sản xuất nông nghiệp chịu thiệt hại lớn do mưa lũ và bão nhưng tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng vẫn được duy trì và tiếp tục tăng hơn so với 8 tháng đầu năm.

Trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo với giá trị 4,37 tỷ USD, tăng 23,5%. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo với giá trị 4,37 tỷ USD, tăng 23,5%. (Ảnh: PV/Vietnam+)

 

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả khá tốt và vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Tuy nhiên, những thiệt hại do bão và mưa lũ trong tháng 9/2024 khiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải có nhiều giải pháp quyết liệt để phục hồi sản xuất để đạt được mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong năm 2024.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi với báo chí về tình hình sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng và những tháng cuối năm 2024.

- Vừa qua, mưa lũ và bão đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp trong tháng 9/2024, vậy xin Thứ trưởng cho biết những thiệt hại này ảnh hưởng như thế nào đến kết quả xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng năm 2024?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Do ảnh hưởng bão và mưa lũ, đặc biệt sau cơn bão số 3, sản xuất nông nghiệp các tỉnh miền núi Bắc bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, về quy mô nông nghiệp của các tỉnh miền núi phía Bắc không lớn và xuất khẩu từ trước đến nay chủ yếu là các tỉnh khu vực phía Nam và Trung. Do đó, tốc độ tăng trưởng về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng vẫn duy trì và còn tăng hơn so với 8 tháng đầu năm.

Chín tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 46,28 tỷ USD, nhập khẩu 32,42 tỷ USD, xuất siêu 13,86 tỷ USD, tăng 71,2%. Trong 3 tháng cuối năm cũng sẽ là thời điểm thuận lợi chúng ta để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu nông sản năm 2024.

- Thưa Thứ trưởng, vậy cụ thể tình hình sản xuất nông nghiệp trong 9 tháng và giải pháp phát triển sản xuất những tháng cuối năm sẽ như thế nào?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Về cơ bản các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp đang khá tốt. Trong 9 tháng, sản lượng trên diện tích thu hoạch lúa đạt hơn 34 triệu tấn, tăng 1,5%. Kết quả tăng trưởng này là do các địa phương đã có kế hoạch ứng phó, tranh thủ thu hoạch trước bão nên chưa ảnh hưởng thiệt hại trong tháng 9, tuy nhiên mưa lũ có thể ảnh hưởng đến kết quả sản xuất lúa của 3 tháng cuối năm.

7f94754625c0829edbd1.jpg

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đối với chăn nuôi, tổng sản lượng thịt hơi 6,13 triệu tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù ngành chăn nuôi bị thiệt hại lên tới 11.000 tỷ đồng do bão lũ nhưng năm nay chúng ta vẫn cố gắng về đích với tổng sản lượng thịt hơi đạt trên 8 triệu tấn (năm 2023 là 7,79 triệu tấn).

Chúng ta đang triển khai các giải pháp để phục hồi chăn nuôi để bù đắp lại thiệt hại do bão lũ, trong đó tập trung vào gà công nghiệp nuôi chưa đến 40 ngày được một lứa, gà lông màu nuôi 3 tháng, vịt cao sản nuôi 40 ngày, lợn nuôi 4 tháng… bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang thúc đẩy các khu vực chăn nuôi quy mô lớn như Đồng Nai, Nghệ An, Thanh Hóa… để bù đắp cho sản lượng bị thiệt hại ở các tỉnh phía Bắc.

Về thủy sản, sản lượng 9 tháng đạt hơn 7 triệu tấn , tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó cả khai thác và nuôi trồng thủy sản đều vẫn duy trì đà tăng trưởng. Hoạt động sản xuất thủy sản trong tháng tại các địa phương ven biển phía Bắc bị ảnh hưởng lớn bởi cơn bão số 3, tuy nhiên, nhờ kết quả sản xuất thủy sản tại các địa phương trọng điểm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, hoạt động nuôi trồng thủy sản cả nước 9 tháng vẫn phát triển ổn định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp với các tỉnh phía Nam để thúc đẩy tăng trưởng ngành thủy sản, đạt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 7,23 tỷ USD tăng 7,9 %.

 

nuoiga.jpg

Các giải pháp để phục hồi chăn nuôi để bù đắp lại thiệt hại do bão lũ đang được triển khai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về lâm nghiệp, mặc dù bão lũ đã làm thiệt hại, ảnh hưởng 170.000 hecta nhưng trong 9 tháng đã trồng 187.200 hecta rừng, tăng 2,5%; sản lượng gỗ khai thác 16.068.900 m3, tăng 7%.

Tất cả các ngành hàng nông nghiệp đều đang có sự chỉ đạo quyết liệt, duy trì được đà tăng trưởng và cố gắng phục hồi sản xuất nông nghiệp nhanh để có thể thực hiện mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt 3,2-4% trong năm 2024.

- Thứ trưởng nhận định thế nào về việc Ấn Độ đã vừa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm?

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Đây là không phải lần đầu tiên mà Ấn Độ gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo mà lần này lần thứ hai. Việc gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ có ảnh hưởng đến xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam nhưng sẽ không quá lớn.

Hiện nay, chúng ta đã có thị phần, giá trị cũng như chất lượng gạo xuất khẩu tương đối ổn định. Trong 9 tháng năm 2024, chúng ta đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo với giá trị 4,37 tỷ USD, tăng 23,5% về giá trị và 9,2% về sản lượng xuất khẩu.

Chúng tôi tin chắc chắn rằng chuỗi giá trị xuất khẩu gạo gắn với thị trường của chúng ta là tương đối chặt chẽ và ngày càng bài bản hơn. Việc thị trường biến động do Ấn Độ tiếp tục xuất khẩu gạo sẽ có nhưng với hệ sinh thái xuất khẩu gạo như hiện nay của Việt Nam thì sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới