Xuất khẩu cá ngừ vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu

26/07/2024 16:02

Bài toán nguyên liệu trong lĩnh vực xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn chưa có lời giải khi phần lớn các doanh nghiệp vẫn phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài để phục vụ chế biến.

Vận chuyển cá ngừ từ tàu cá lên bán cho các thương lái. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Vận chuyển cá ngừ từ tàu cá lên bán cho các thương lái. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

 

Xuất khẩu cá ngừ đóng vai trò không nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mỗi năm mang về bình quân hơn 800 triệu USD. Nhưng trong suốt thời gian qua, nguồn nguyên liệu cá ngừ phục vụ chế biến xuất khẩu trong nước lại rất thấp, chỉ chiếm từ 30% đến 40% nhu cầu của các doanh nghiệp.

Số lượng còn lại các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu từ các nước khác để phục vụ chế biến. Bài toán nguyên liệu vẫn chưa có lời giải.

Xuất khẩu cá ngừ đông lạnh tăng

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ ước đạt hơn 550 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.

Tất cả các nhóm mặt hàng cá ngừ xuất khẩu đều tăng trong thời gian này; trong đó, cá ngừ đông lạnh có chiều hướng tăng giá trị, đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay với hơn 44 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, có xu hướng ngày càng tăng cho đến cuối năm 2024.

Trong khi đó, các sản phẩm cá ngừ đóng hộp lại giảm 11%, ước đạt gần 20 triệu USD - bà Nguyễn Thị Vân Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam thông tin.

Cũng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính như Mỹ, châu Âu hay Israel vẫn tiếp tục tăng trong những tháng qua, lần lượt là 18%, 56% và 50%.

Đáng chú ý, tại khối thị trường châu Âu, xuất khẩu cá ngừ sang Italy và Hà Lan đang tăng “phi mã” ở mức 3 con số, trong khi xuất khẩu sang Đức lại giảm.

Cùng đó, xuất khẩu cá ngừ sang Nga cũng đang tăng phi mã ở mức ba con số trong hai tháng qua. Với sự tăng trưởng cao liên tục từ đầu năm, Nga đang trở thành một trong năm thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam.

Trái với xu hướng xuất khẩu sang ba thị trường kể trên, xuất khẩu sang khối thị trường các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giảm trong hai tháng qua.

Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này trong tháng Bảy giảm 12%. Hiện tại, nhu cầu của các thị trường đang ngày càng tăng vì để chuẩn bị cho dịp lễ cuối năm, và đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đánh giá ngành cá ngừ của Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển trong năm nay, đặc biệt khi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đang có xu hướng tăng.

Mỹ và châu Âu vẫn sẽ là hai thị trường chính. Các thị trường tiềm năng như Israel, Nga và Hàn Quốc cũng đang mở ra nhiều cơ hội mới.

Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do như EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-châu Âu) sẽ tạo đà cho xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Các hiệp định này không chỉ giúp giảm thuế mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc xuất khẩu sản phẩm sang những thị trường lớn.

Vẫn bị "trói" bởi quy định

Một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành cá ngừ Việt Nam hiện nay là nguyên liệu. Bà Cao Thị Kim Lan - Giám đốc Công ty Cổ phần Thuỷ sản Bình Định chia sẻ, hơn 50% giá trị xuất khẩu cá ngừ được tạo ra từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu do khai thác trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu cho chế biến xuất khẩu và không ổn định.

Đặc biệt là ngày 4/4/2024, Nghị định số 37/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản có hiệu lực đang có những bất cập.

 

ca ngu 2.jpg

Cá ngừ tươi được các tiểu thương ở cảng Đông Hải (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) thu mua vận chuyển đến các chợ. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Đó là kích cỡ tối thiểu của cá ngừ vằn cho phép khai thác hiện nay quy định trong Nghị định 37 là 0,5m, tương đương trọng lượng từ 5-7kg. Tuy nhiên, sản lượng cá ngừ đạt kích cỡ này thực tế rất thấp.

Khi Nghị định 37 có hiệu lực, tất cả các cảng cá không dám cấp xác nhận nguyên liệu đối với cá ngừ vằn nhỏ hơn kích cỡ khai thác này. Điều này sẽ khiến cho nguồn cung cá ngừ vằn trong nước giảm. Đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu có xuất xứ thuần túy để sản xuất.

Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ Việt Nam cho biết hiện tại, xuất khẩu vẫn tăng là do lượng cá ngừ vằn nguyên liệu dự trữ tại các doanh nghiệp đã được cấp giấy xác nhận vẫn còn.

Tuy nhiên, lượng nguyên liệu dự trữ này cũng đang cạn dần. Doanh nghiệp sẽ phải gia tăng nhập khẩu từ nguồn cung ngoài nước.

Nửa cuối năm thường là thời gian doanh nghiệp phải tăng cường sản xuất cho các đơn hàng xuất khẩu một sang thị trường lớn như châu Âu để được hưởng ưu đãi thuế qua khi hạn ngạch được mở lại vào đầu năm sau.

Bên cạnh đó, quy định về bảo tồn của Liên minh châu Âu không đề cập kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn mà chỉ áp dụng với một số loài nhạy cảm, kích thước tối thiểu cũng thay đổi khác nhau tùy từng vùng biển và nguồn lợi tại khu vực đó.

Châu Âu bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng biện pháp quy định hạn ngạch, thời gian cấm biển… chứ không chỉ quy định bằng kích thước tối thiểu được khai thác.

Các tàu cá của nước ngoài vẫn đánh bắt cá ngừ vằn dưới 1,5kg và vẫn được cấp chứng nhận thủy sản khai thác. Do đó, nếu Việt Nam không nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc khó khăn này cho doanh nghiệp thì chẳng mấy chốc sẽ bị mất thị trường xuất khẩu - bà Cao Thị Kim Lan tâm tư./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới