Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP

20/11/2023 13:05

Với điều kiện tự nhiên phong phú, riêng có, Cà Mau được đánh giá có nhiều tiềm năng trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp để hình thành các sản phẩm OCOP.

Chú thích ảnh

Mật ong rừng tràm U Minh Hạ Cà Mau - sản phẩm OCOP nổi tiếng của tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Để phát huy hiệu quả những tiềm năng này, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, hướng tới việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm OCOP. Từ đó, đã có nhiều sản phẩm OCOP được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đã góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản của địa phương trên thị trường.

Nâng cao các giá trị cốt lõi

Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Cà Mau luôn thực hiện với quan điểm không chạy theo phong trào, mà phải đi vào thực chất, gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương. Ðặc biệt là đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, quy định về chất lượng sản phẩm và xem đây như giá trị cốt lõi để xây dựng thương hiệu.

Là hợp tác xã đi đầu trong phát triển các sản phẩm đặc sản của huyện Ngọc Hiển, những năm qua, Hợp tác xã Tân Phát Lợi không chỉ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại từ nhà xưởng, kho đông lạnh, nhà sấy năng lượng mặt trời, đến máy hấp bánh, máy hút chân không... mà về xây dựng thương hiệu luôn được hợp tác xã quan tâm đầu tư. Đến nay, đã phát triển trên 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Ông Bùi Văn Chương, Giám đốc Hợp tác xã Tân Phát Lợi chia sẻ, một trong những giải pháp nhằm gia tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thì ngoài nâng cao chất lượng, cơ sở còn chú trọng xây dựng mẫu mã, bao bì sản phẩm; trên sản phẩm đều có mã vạch, QR-Code và đầy đủ thông tin, hạn sử dụng để khách hàng yên tâm khi lựa chọn sản phẩm. Bởi mục tiêu không chỉ cung ứng tốt cho thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu ra những thị trường khó tính, có tiềm năng. “Năm 2023, mục tiêu của hợp tác xã đề ra là nâng hạng sản phẩm tôm khô từ 3 sao lên 4 sao nhằm đưa sản phẩm ra thị trường ngoài nước”, ông Bùi Văn Chương, nêu quyết tâm.

Ông Lê Hoài Phương, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hiển chia sẻ, thực tế vẫn còn nhiều hạn chế trong việc sử dụng logo OCOP chưa đúng quy định với sản phẩm được công nhận. Thấy được điều đó, địa phương đã và đang triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất, phát triển thương hiệu và thiết kế, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm OCOP. Qua đó, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường lớn để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của địa phương.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau thống kê, đến nay đã có 14 chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia sử dụng nhãn hiệu tập thể và 8 chủ thể tham gia sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và có 30 chủ thể OCOP đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thông thường. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở sẽ duy trì triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Cà Mau.

Nhờ đó đến nay, chương trình đã hỗ trợ được 15 chủ thể  OCOP xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý như: hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO 22000:2018); hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) và hỗ trợ 17 chủ thể OCOP hoàn thiện hồ sơ nâng hạng sản phẩm, tập trung vào các tiêu chí liên quan đến ngành quản lý như: phong cách, ghi nhãn hàng hóa, sở hữu trí tuệ, đảm bảo chất lượng sản phẩm, bao bì sản phẩm…

Nhằm hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng thương hiệu thành công, ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau cho biết, Sở đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tập huấn bàn giải pháp và hướng dẫn cho các chủ thể OCOP trên địa bàn hiểu biết các quy định về ghi nhãn, ứng dụng ghi mã số mã vạch/QR-Code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và cách thể hiện logo được bảo hộ trên bao bì, nhãn mác; cách ghi nhãn hàng hoá đầy đủ, đẹp, thể hiện được thông điệp sản phẩm…

Đồng thời, thường xuyên phối hợp với ngành chức năng có liên quan, các chủ thể cùng tham gia trao đổi các giải pháp khai thác, phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP của tỉnh theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được bảo hộ theo chuỗi giá trị. Song song đó là tuyên truyền, quảng bá các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ.

Phát triển bền vững từ chuỗi liên kết

Chú thích ảnh

Các sản phẩm OCOP Cà Mau được giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến du khách, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Kim Há/TTXVN

Nhằm khắc phục vấn nạn cố hữu “được mùa mất giá” đối với các sản phẩm nông nghiệp nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng, Cà Mau xác định liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm không chỉ đảm bảo đầu ra, góp phần quan trọng giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường, mà còn tiền đề quan trọng thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước hướng tới nền sản xuất hiện đại, bền vững và hiệu quả trong tương lai.

Việc triển khai, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các chủ thể xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm đặc thù của địa phương, sản phẩm đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ và sản phẩm OCOP, được xác định là tối quan trọng nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Từ năm 2021 đến nay, Cà Mau đã đưa được 63 sản phẩm của 45 chủ thể  OCOP đưa lên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc tỉnh Cà Mau.

Ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau khẳng định, việc này nhằm tạo ra môi trường trao đổi thông tin minh bạch; khắc phục sự cố và đưa ra biện pháp thu hồi kịp thời; nhận biết nơi xuất xứ nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, không chỉ bảo vệ quyền lợi của người nông dân được tốt hơn mà còn giúp người nông dân đơn giản hoá quá trình ghi nhận nhật ký sản xuất và báo cáo kết quả công việc.

Không những vậy, khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng dễ dàng tra cứu thông tin nguồn gốc sản phẩm, từ đó lựa chọn đúng sản phẩm chính hãng; thuận lợi tham gia xác thực thông tin nguồn gốc sản phẩm, từng bước giải quyết tình trạng hàng không rõ nguồn gốc… làm ảnh hưởng đến uy tín của các sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau.

Một tín hiệu đáng mừng khác là thời gian qua chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh đã đạt được các kết quả tích cực. Từ đó, việc mua, bán trên các sàn thương mại điện tử; thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng hoá đơn điện tử, nộp thuế điện tử, mã vạch, mã QR truy xuất nguồn gốc,... ngày càng thuận lợi và phát triển nhanh chóng.

Về vấn đề này, bà Trương Hà Phương Anh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu từ và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC) cho biết, từ tiền đề đó, các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng mang thương hiệu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử của tỉnh: Madeincamau.com, Postmart; các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước: Sendo, Shopee, Lazada, Tiki…; Alibaba, Amazon… Ngoài ra, một số chủ thể OCOP đã mạnh dạn chuyển đổi từ các kênh bán hàng truyền thống sang nền tảng trực tuyến bằng việc gia nhập TikTok.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đánh giá, với nhiều tiềm năng, lợi thế đặc thù, riêng có, thời gian qua địa phương đã tập trung tuyên truyền, khuyến khích các chủ thể tham gia vào sản xuất phát triển các sản phẩm OCOP. Đồng thời đẩy mạnh việc sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực, đặc biệt là con tôm, tham gia vào thị trường xuất khẩu ở nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, Cà Mau cũng đã xây dựng các vùng nuôi có quy mô lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu về sản lượng, đa dạng hóa sản phẩm từ nguồn nguyên liệu để chế biến thành các sản phẩm OCOP.

Ðến nay, tỉnh có 128 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP; nhưng hạn chế là vẫn chưa có sản phẩm 5 sao, trong khi đó, số lượng sản phẩm OCOP đạt 4 sao còn ít. Hiện tại, chủ thể OCOP chủ yếu là các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất nhỏ, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế; đây được xem là khó khăn cơ bản của các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất này.

“So với những địa phương khác, phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh Cà Mau vẫn đi sau và chưa có nhiều kinh nghiệm. Đồng thời không thể phủ nhận thực tế là dù có tiềm năng về phát triển sản lượng thì mô hình sản xuất chiếm phần đa là nhỏ, lẻ, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; thị trường tiêu thụ vẫn chưa có nhiều… Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng, sản lượng và phát triển bền vững sản phẩm OCOP là nhiệm vụ rất lớn của địa phương”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nêu thực trạng.

Để khắc phục tình trạng này, ông Lê Văn Sử nêu ra những giải pháp mà địa phương sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới, cụ thể như: tập trung nâng hạng cho sản phẩm OCOP, thông qua đây để nâng cao năng lực tổ chức sản xuất của chủ thể; đẩy mạnh xây dựng các vùng nuôi; trong đó kiện toàn công tác tổ chức sản xuất để tạo ra các vùng nguyên liệu phải đồng nhất về kỹ thuật, đồng bộ chất lượng; xây dựng, phát triển các sản phẩm theo liên kết chuỗi; thu hút, huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp... Đồng thời, nâng cao năng lực tổ chức, hướng dẫn, thu hút đầu tư, nâng cao khả năng khuyến khích, vận động các chủ thể khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới