Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong

08/04/2024 12:22

Huyện miền núi Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình có nhiều lợi thế phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Đây đang là nghề góp phần nâng cao đời sống kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân nhiều địa phương. Song hiện nay, việc xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm mật ong đang gặp nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh

Nghề nuôi ong lấy mật mang lại thu nhập cao ổn định cho người dân xã miền núi Xuân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) với 68 hộ nuôi. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Thu nhập ổn định

Gia đình ông Đinh Văn Thiên (thôn Cầu Lợi, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa) là một trong những hộ có kinh nghiệm nuôi ong lấy mật 20 năm, hiện đang có hơn 100 tổ ong. Trung bình mỗi năm, sản lượng mật gia đình ông Thiên thu hoạch được khoảng gần 1 tấn, cho lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/năm. Đây là nguồn thu nhập ổn định của gia đình ông Đinh Văn Thiên từ nhiều năm nay.

Ông Đinh Văn Thiên chia sẻ, tận dụng lợi thế vùng đồi núi với nhiều loại hoa rừng và đất vườn rộng nên gia đình ông nuôi ong ngay trong vườn nhà. Với nghề nuôi ong, người nuôi chỉ một lần làm tổ cho đàn ong một lần với chi phí ít, lại ít tốn công sức, song đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉn chu trong từng công đoạn. Hằng ngày, người nuôi ong cần đi kiểm tra, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc chăm sóc các đàn ong, từ đó, con ong mới khỏe và thu về nhiều mật.

Theo ông Đinh Văn Thiên, từ tháng 2 dương lịch, đàn ong bắt đầu bay vào rừng và các vườn hoa để tìm các loài hoa lấy mật. Con ong ưa sự yên tĩnh, không khí trong lành, đặc biệt khi nhận thấy không khí bị ô nhiễm, các loài hoa, cây trồng có phun các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, đàn ong sẽ bay đi nơi khác.

Thời gian người nuôi thu hoạch mật là từ tháng 4 đến cuối tháng 6 dương lịch. Mỗi chu kỳ khai thác mật ong thường kéo dài 18 đến 22 ngày; mỗi vụ mỗi tổ ong cho thu từ 5 - 7 lít mật. Khi các cầu quay đã đầy mật, các hộ nuôi dùng thùng quay ly tâm để lấy mật.

Nhiều người dân địa phương cho biết, mật ong xã Xuân Hóa có màu vàng cánh gián đặc quánh, có độ kết dính cao, hương thơm mang hương vị nhẹ nhàng của các loài hoa núi rừng tự nhiên nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Hiện, giá mật ong giao động khoảng 150.000 đồng/chai 1,5 lít.

Ông Đinh Duy Văn, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hóa cho biết: Xã miền núi Xuân Hóa có diện tích rừng tự nhiên 4.700 ha, đây là địa phương có nhiều hộ gia đình nuôi ong lấy mật nhất tại huyện Minh Hóa với 68 hộ nuôi ở tất cả 7 thôn với trên 1.713 đàn ong. Mỗi năm, sản lượng mật thu về khoảng trên 14 nghìn kg, tương đương khoảng 1,4 tỷ đồng. Nhờ nghề nuôi ong, kinh tế của các hộ dân đã ngày càng ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo ông Đinh Duy Văn, thời gian qua, chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ người dân tham gia các lớp tập huấn, tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi ong. Vừa qua, từ nguồn vốn của chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, địa phương đã giải ngân hơn 300 triệu đồng hỗ trợ các gia đình nuôi ong là hộ nghèo 14 triệu đồng, hộ cận nghèo 12 triệu đồng và hộ mới thoát nghèo 8 triệu đồng.

Sớm xây dựng thương hiệu

Hiện, nhiều địa phương của huyện miền núi Minh Hóa, dù nuôi ong lấy mật đang là nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân, số lượng đàn ong không ngừng tăng lên theo từng năm. Riêng xã Xuân Hóa năm 2023 là 1.400 đàn ong thì năm 2024 đã tăng thêm trên 300 đàn ong. Song, các hộ nuôi vẫn cảm thấy bất an trong khâu tiêu thụ khi mật ong tại xã Xuân Hóa vẫn chưa đăng ký nhãn hiệu, chưa có chỉ dẫn địa lý.

Ông Đinh Văn Thiên (thôn Cầu Lợi, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa) chia sẻ, hiện việc tiêu thụ sản phẩm mật ong đều là tự phát, người nuôi tự liên hệ các mối tiêu dùng thân quen mua để dùng và làm quà biếu trong huyện, trong tỉnh, giá bán khá thấp. Trong khi tại một số ít vùng nuôi ong tại huyện Minh Hóa là xã Hóa Sơn, khi sản phẩm mật ong đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, giá mật ong cao gấp hai lần.

Cùng chung sự trăn trở, ông Đinh Xuân Khánh (thôn Ninh Xuân, xã Xuân Hóa) cho rằng, chất lượng mật ong tại xã Xuân Hóa được đánh giá là rất tốt, sản phẩm từ tự nhiên. Song, do một số khó khăn trong việc đăng ký nhãn mác, đăng ký kinh doanh để khẳng định thương hiệu nên việc tiêu thụ sản phẩm mật ong tại địa phương đang không ổn định. Dù mang lại thu nhập kinh tế cao, nhưng nhiều hộ dân vẫn e ngại tăng đàn để nâng cao sản lượng.

“Mong muốn của tôi và người dân địa phương là sản phẩm mật ong Xuân Hóa sớm được đăng ký nhãn mác, đăng ký kinh doanh, xây dựng thương hiệu. Qua đó, sản phẩm mật ong địa phương có thể xâm nhập được tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng nông sản sạch địa phương, việc tiêu thụ ổn định và giá bán cao hơn”, ông Đinh Xuân Khánh cho biết thêm.

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hóa Đinh Duy Văn cho biết, do là xã miền núi, nguồn lực có hạn, việc đăng ký nhãn mác, đăng ký kinh doanh cho sản phẩm mật ong tại địa phương nhiều thủ tục, hồ sơ. Tuy nhiên, từ ngày 23/3, địa phương đã có Giấy chứng nhận thành lập Hợp tác xã nông sản Xuân Hóa; trong đó, có 25 hội viên là hộ nuôi ong, đây là những tín hiệu đáng mừng.

“Hiện, xã Xuân Hóa đang tích cực vận động người dân đẩy mạnh các kênh tuyên truyền trên mạng xã hội để quảng bá thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm mật ong Xuân Hóa. Bên cạnh đó, tích cực tìm kiếm, kết nối với các đơn vị để bao tiêu đầu ra cho sản phẩm mật ong, qua đó tạo tâm lý yên tâm cho các hộ nuôi”, Bí thư xã Xuân Hóa Đinh Duy Văn chia sẻ.

Theo thống kê năm 2023, huyện miền núi Minh Hóa có trên 6.160 đàn ong tập trung nuôi ở 13/15 địa phương. Trong đó nhiều nhất là ở các xã Xuân Hóa, thị trấn Quy Đạt, Hóa Hợp, Hồng Hóa, Hóa Phúc... Tổng sản lượng mật thu hoạch năm 2023 là trên 616 tấn.

Bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết, nghề nuôi ong tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã có từ rất lâu, góp phần rất lớn trong việc nâng cao đời sống kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Dù tổng đàn ong lớn, sản lượng nhiều, chất lượng mật rất tốt, song người dân vẫn chưa quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu, từ đó giá bán hiện không cao; thương hiệu mật ong trên địa bàn chưa được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng. Hiện việc tiêu thụ chủ yếu đang còn là sản phẩm thô, bán theo can, theo chai.

Theo Bà Trương Thị Thanh Bê, hiện trên địa bàn huyện chỉ có sản phẩm mật ong tại xã Hóa Sơn được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Thời gian tới, huyện Minh Hóa đang định hướng các địa phương có thế mạnh về nghề nuôi ong cần đa dạng hóa các sản phẩm từ mật ong, tích cực quảng bá, xây dựng thương hiệu với mục tiêu sớm đưa các sản phẩm từ mật ong vào tiêu thụ tại các Siêu thị, Trung tâm thương mại và xa hơn là xuất khẩu.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới