Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh

25/11/2024 16:03

Xác định cà phê, hồ tiêu, dược liệu... là những cây trồng thế mạnh trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tỉnh Quảng Trị đang tập trung hỗ trợ phát triển những cây trồng này để tạo ra những sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh trên thị trường.

Chú thích ảnh

Người dân xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) thu hoạch cà phê Arabica. Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Người trồng cà phê theo hướng hữu cơ kết hợp trồng xen cây ăn quả được tỉnh hỗ trợ một lần với mức tối đa 70% chi phí giống cây cà phê, giống cây ăn quả trồng xen và vật tư nông nghiệp thiết yếu để thực hiện tái canh cà phê. Định mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/ha đối với hỗ trợ trồng tái canh cà phê và 10 triệu đồng/ha đối với việc cải tạo nâng cao hiệu quả vườn cây.

Đến tháng 11/2024, tỉnh có khoảng gần 4.000 ha cà phê, tập trung ở huyện miền núi Hướng Hóa. Nhờ có chính sách hỗ trợ, mỗi năm người dân có điều kiện trồng mới, tái canh hơn 150 ha cà phê ở các xã: Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Ba Tầng, Húc và thị trấn Khe Sanh. Thương hiệu “Cà phê Arabica Khe Sanh” là sản phẩm chủ lực của tỉnh, bởi hương vị thơm ngon, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Quảng Trị đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là 1 trong 8 tỉnh để phát triển cà phê đặc sản theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.

Đối với cây tiêu, người trồng cây hồ tiêu theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng được hỗ trợ một lần với mức tối đa 50% chi phí giống, vật tư nông nghiệp thiết yếu. Thương hiệu “Tiêu Quảng Trị” là sản phẩm chủ lực của tỉnh đã nổi tiếng bởi có mùi thơm, vị cay rất đặc trưng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tỉnh hiện có khoảng 2.500 ha hồ tiêu tập trung ở các huyện: Cam Lộ, Hướng Hóa, Vĩnh Linh, Gio Linh. Hồ tiêu Quảng Trị đã được cấp chỉ dẫn địa lý.

Là đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm hạt tiêu hữu cơ, Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hồ Tiêu Cùa, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ  cung ứng ra thị trường khoảng 10 tấn/năm, giá bán ra thị trường từ 220.00 - 240.000 đồng/kg, cao hơn gần gấp đôi so với hạt tiêu thường. Ông Trần Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Hồ Tiêu Cùa cho biết, với sự hỗ trợ của các đơn vị của tỉnh, thương hiệu “Hạt Tiêu Cùa” đã đạt sản phẩm OCOP đạt 4 sao, đồng thời hỗ trợ xúc tiến và quảng bá sản phẩm. Thời gian tới, đơn vị mong muốn có doanh nghiệp hỗ trợ thu mua ổn định sản phẩm hạt tiêu hữu cơ để sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.

Còn với cây dược liệu, tỉnh có chính sách hỗ trợ trồng mới để phát triển vùng sản xuất tập trung và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng. Tỉnh hiện có trên 3.500 ha cây dược liệu tập trung phần lớn ở 5 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Dự kiến đến năm 2025 diện tích cây dược liệu của tỉnh tăng lên 4.500 ha; trong đó trồng mới cây dược liệu có quy mô sản xuất tập trung 200 ha đối với những cây dược liệu có tiềm năng như nghệ, chè vằng, sả, cà gai leo, an xoa; trồng mới cây dược liệu dưới tán rừng 800 ha đối với những cây dược liệu có tiềm năng như: giảo cổ lam, sâm cau, khôi tía. Tỉnh đã có nhiều sản phẩm từ cây dược liệu tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài nước  như: cao an xoa, cao chè vằng, cà gai leo.

Ngoài ra, tỉnh còn có chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu chất lượng cao, nhất là rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; hỗ trợ phát triển cây ăn quả theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ phát triển cây lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới