Việt Nam vẫn là đối tác có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Singapore lớn nhất
25/12/2024 13:29
Kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore tháng 11 tiếp tục mạch tăng trưởng tích cực (tăng 31,32%), qua đó giữ vững tốc độ tăng trưởng 11 tháng của năm 2024 ở mức 32,11% so với cùng kỳ 2023.
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết tình hình thương mại trong tháng 11/2024 của nước này với thế giới thể hiện tín hiệu tích cực khi cả ba chỉ tiêu là tổng kim ngạch hai chiều và kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng trưởng dương.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore trong tháng 11/2024 tiếp tục mạch tăng trưởng tích cực (tăng 31,32%), qua đó giữ vững tốc độ tăng trưởng 11 tháng của năm 2024 ở mức 32,11% so với cùng kỳ năm 2023, giúp Việt Nam hiện là đối tác có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Singapore lớn nhất (32,11%); tiếp theo là Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) với 26,70% và Ấn Độ (23,86%).
Số liệu thống kê của Cơ quan quản lý doanh nghiệp Singapore cho thấy trong tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với thế giới đạt gần 110,23 tỷ SGD, tăng 5,02% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó xuất khẩu đạt hơn 59,39 tỷ SGD, tăng 5,1% và nhập khẩu đạt hơn 51,83 tỷ SGD, tăng 4,93%.
Trong 11 tháng tính từ tháng 1/2024 (so với cùng kỳ năm 2023), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Singapore với phần lớn các đối tác lớn nhất (11/15 đối tác) tăng trưởng dương, một số đối tác có kim ngạch tăng mạnh như Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) tăng 22,17%; Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) tăng 9,72%; Thái Lan (tăng 6,42%)…
Trung Quốc, Malaysia, Mỹ và Vùng lãnh thổ Đài Loan là bốn đối tác thương mại lớn nhất của Singapore với tổng kim ngạch thương mại lần lượt là 154,33 tỷ SGD; 126,5 tỷ SGD; 119,9 tỷ SGD và 103,87 tỷ SGD. Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Singapore, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 28,6 tỷ SGD (21,03 tỷ USD), tăng 8,53%.
Về nhập khẩu, trong 11 tháng của năm 2024, các thị trường nhập khẩu chính của Singapore là Vùng lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản... Việt Nam hiện đứng thứ 18 trong số các đối tác nhập khẩu lớn nhất của Singapore, với kim ngạch đạt gần 7,8 tỷ SGD (5,73 tỷ USD), tăng 32,11%.
Về xuất khẩu, trong 11 tháng của năm 2024, các thị trường xuất khẩu chính của Singapore là Trung Quốc, Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong, Malaysia với kim ngạch lần lượt đạt kim ngạch 85,76 tỷ SGD (tăng 7,13%), 66,39 tỷ SGD (tăng 8,16%) và 64,33 tỷ SGD (tăng 16,32%)… Việt Nam là thị trường xuất khẩu thứ 10 của Singapore với kim ngạch hơn 20,8 tỷ SGD (15,29 tỷ USD), tăng 1,72%.
Trong tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 2,52 tỷ SGD (1,85 tỷ USD), tăng 8,22% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore vẫn giữ được mức tăng trưởng rất cao (31,32%) với giá trị 717,27 triệu SGD, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng trưởng dương ở mức 1,17%, đạt hơn 1,81 tỷ SGD. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Singapore đạt hơn 28,6 tỷ SGD, tăng 8,53% so với cùng kỳ năm 2023.
Về nhóm ngành hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore, trong tháng 11/2024, cả ba nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Singapore tiếp tục tăng rất mạnh, thậm chí đột biến. Cụ thể, nhóm máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại (tăng 52,57%); lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 95,93%); thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (tăng 77,98%).
Một số nhóm ngành xuất khẩu khác cũng có mức tăng trưởng rất mạnh như đồ chơi, thiết bị trò chơi, thiết bị và dụng cụ thể thao (tăng hơn 138%); Nhôm và sản phẩm từ nhôm (tăng hơn 89,79%)...
Về nhóm ngành hàng nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam, tháng 11/2024 cho thấy sự tăng trưởng khá mạnh của 2/3 nhóm nhập khẩu chủ lực là nhóm lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (tăng 36,54%); và nhóm xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (tăng 58,1%).
Tuy nhiên, nhóm nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại lại sụt giảm ở mức -19,52%. Một số nhóm ngành khác tiếp tục tăng đột biến như chì và các sản phẩm làm bằng chì (tăng 59 lần), rượu và đồ uống (tăng 1,1 lần)…
Ở chiều ngược lại, một số nhóm ngành giảm khá mạnh như phương tiện tàu bay, tàu vũ trụ và các bộ phận (giảm 63,28%), các sản phẩm từ hóa chất (giảm 48,84%).
Theo ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore, năm 2025 dự báo nền kinh tế toàn cầu và khu vực sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm, tăng cường tìm kiếm đối tác… với các hình thức hỗ trợ đa dạng từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
HSBC: Việt Nam đã trở lại là 'ngôi sao' tăng trưởng của ASEAN
Kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi tích cực
Giá dừa khô tăng cao dịp cuối năm
Lo thua lỗ, nhà vườn giảm số lượng hoa Tết
Vượt qua “đối thủ,” xuất khẩu dệt may Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 thế giới
Bắc Giang dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế
Lợi nhuận tăng khi trồng lúa chất lượng cao giảm phát thải
Xuất nhập khẩu của Việt Nam lập kỷ lục mới, vượt hơn 100 tỷ USD so với 2023
Khuyến khích sản xuất bền vững mô hình rừng - tôm, lúa - thủy sản
Loạt giải pháp hỗ trợ nông dân ven biển nuôi dê thịt