Triển vọng nào cho thị trường vật liệu xây dựng?

09/04/2024 12:21

Theo Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), cơ quan này vừa tiến hành khảo sát doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng về triển vọng thị trường. Theo đó ghi nhận, lực đẩy lớn cho thị trường ngành vật liệu xây dựng đang đến từ những công trình, dự án đầu tư công.

Chú thích ảnh

Một cơ sở sản xuất cát ở thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh minh họa: Chu Hiệu/TTXVN

Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo việc thúc đẩy triển khai các công trình đầu tư công. Nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã được triển khai, cùng với đó là việc thông qua quy hoạch nhiều dự án hạ tầng công nghiệp, đô thị. Với những dự án đầu tư công lớn đã và đang triển khai như các đường vành đai, cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành sẽ giúp cho ngành vật liệu xây dựng và hạ tầng được hưởng lợi lớn trực tiếp. Bộ Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường. 

Tuy nhiên, thực tế thì nhu cầu vật liệu xây dựng từ đầu tư công cũng chưa thể bù đắp được lượng dư thừa nguồn cung vật liệu xây dựng hiện nay và có thể dư hơn nữa nếu các doanh nghiệp hoạt động tối đa công suất thiết kế. Do đó, doanh nghiệp ngành này cũng cần mở rộng thị trường nội địa, tìm kiếm những thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm và vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay, sự phụ thuộc của ngành này vào bất động sản còn quá lớn, trong khi bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn và sự phục hồi đang ở mức độ chậm, chưa thể trở thành cú hích cho thị trường vật liệu xây dựng lội ngược dòng trong ngắn hạn. Chỉ khi nào bước qua giai đoạn khó khăn của chu kỳ kinh tế, các điểm nghẽn trên thị trường được tháo gỡ, nguồn cung bất động sản tăng trở lại hứa hẹn là thời kỳ phát triển mạnh và ổn định của ngành vật liệu xây dựng.

Cùng với thị trường bất động sản,  dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đổ về và sự ổn định chính trị, môi trường đầu tư tốt, cũng như các cam kết của nhà đầu tư nước ngoài đang là những tín hiệu tích cực, tạo đà cho sự bứt phá cho thị trường vật liệu xây dựng trong nước. Tuy nhiên, ông Vinh cũng lưu ý, kể cả khi dòng vốn FDI trở thành hiện thực, thì hoạt động triển khai các dự án cũng phải đến giữa năm sau mới sôi động. Cũng có nghĩa là, trong ngắn hạn, có ít tác động đến thị trường vật liệu xây dựng.

Quốc hội vừa chính thức thông qua các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung liên quan đến bất động sản như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản cùng với những nghị quyết, nghị định, thông tư tháo gỡ khó khăn, sẽ có tác động tích cực đến khả năng phục hồi và tăng trưởng của thị trường bất động sản. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi giúp thị trường vật liệu xây dựng bật tăng trở lại.

Theo ông Vinh, triển vọng phát triển năm nay có lẽ nên lựa chọn hướng đi xanh hóa ngành vật liệu xây dựng. Các lĩnh vực tiêu biểu như: xi măng, thép, sứ vệ sinh, kính xây dựng, gạch ốp lát đều đang tiêu thụ lượng lớn tài nguyên thiên nhiên và năng lượng trong quá trình sản xuất. Việc xanh hóa ngành vật liệu xây dựng sẽ là con đường tất yếu mà các doanh nghiệp phải lựa chọn nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào tài nguyên khan hiếm, bảo vệ môi trường và đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững trên thị trường.

Thời gian qua khi giá năng lượng như than đá, điện, khí đốt đều tăng cao, yếu tố chi phí này đã thúc đẩy các doanh nghiệp nhận thực tốt hơn về phát triển bền vững, thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Theo khảo sát của Vietnam Report, 17,5% số doanh nghiệp đang ở giai đoạn lập kế hoạch; 59,3% số doanh nghiệp đã lập kế hoạch và triển khai một phần cam kết ESG; 23,2% số doanh nghiệp còn lại đã lập kế hoạch và triển khai toàn diện cam kết ESG. Theo đó, trong ba yếu số ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp), yếu tố quản trị doanh nghiệp đang được các doanh nghiệp ưu tiên thực hiện với tỷ lệ 41,1% số doanh nghiệp lựa chọn; theo sau là hai yếu tố môi trường và xã hội với tỷ lệ lần lượt 36,8% và 22,1%.

Việc thực hành ESG hay những cam kết về phát triển bền vững không còn là lựa chọn của doanh nghiệp mà đã trở thành bắt buộc khi EU đã áp dụng thuế phát thải carbon theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cơ chế này ban đầu sẽ áp dụng cho các ngành phát thải cao nhất có nguy cơ rò rỉ cao nhất như sắt thép, xi măng, nhôm, phân bón, hydro, điện... và sẽ được mở rộng sang các ngành khác theo lộ trình.

Là đối tác đứng thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU, Việt Nam hiện có 4 nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực sang thị trường EU là nhôm, thép, xi măng và phân bón. Đặc biệt, riêng các sản phẩm từ sắt thép chiếm 96% giá trị của bốn mặt hàng xuất khẩu này. Thực hiện cơ chế CBAM, trong dài hạn, sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đối với các doanh nghiệp Việt có nhu cầu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU.

Do đó, ông Vinh khuyến nghị, để nâng cao khả năng cạnh tranh toàn diện theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh. Thách thức lớn nhất hiện nay đó là Việt Nam chưa có khung hành lang pháp lý về xây dựng cơ chế định giá carbon rõ ràng nên doanh nghiệp sản xuất khó xác định phải trả thuế, phí bao nhiêu trên mỗi tấn khí CO2. Trong khi đó, việc xác định thuế, phí khí thải sẽ phải tính đủ thuế, phí khí CO2 trực tiếp và gián tiếp. Sự cạnh tranh càng khốc liệt hơn nếu như các doanh nghiệp trong nước chưa thực hiện đầu tư lắp đặt các công nghệ thu hồi, giảm phát thải mà vẫn còn sử dụng nhiên liệu truyền thống (thải nhiều khí CO2 có thuế, hoặc phí khí thải carbon cao hơn), dẫn tới chi phí cho sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU sẽ tăng lên. Cùng với đó, có thể trong vài năm tới, nhiều quốc gia khác như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cũng sẽ áp dụng cơ chế thu thuế khí CO2 đối với hàng nhập khẩu.

Như vậy, theo ông Vinh, phạm vi ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam tới các thị trường trọng điểm trên thế giới sẽ rộng hơn và thị trường mua bán tín chỉ carbon càng sôi động, cũng như cơ hội kinh doanh thành công cho dự án thu giữ, sử dụng tuần hoàn và lưu trữ khí thải carbon (CCUS) cũng sẽ lớn hơn. Do vậy, việc sớm xây dựng và ban hành khung pháp lý về áp dụng cơ chế định giá carbon là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh chiến lược kinh doanh, thay thế dần năng lượng truyền thống bằng năng lượng sạch và áp dụng các công nghệ thu hồi, giảm thiểu khí thải CO2.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới