TP Hồ Chí Minh: Tín dụng bất động sản tăng
01/06/2024 08:27
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, hoạt động tín dụng bất động sản (BĐS) đang có xu hướng tăng trưởng qua từng tháng với những chuyển biến tích cực. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, tín dụng BĐS tại thành phố đã tăng trưởng 1,61%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung (1,31%) và chiếm 27% trong tổng dư nợ tín dụng.
Tín dụng cho vay mua nhà để ở tăng cao nhất
Nếu như tín dụng bất động sản tháng 1/2024 giảm 0,49%, tháng 2 giảm 0,01%, thì đến tháng 3 đã tăng 0,96% và tháng 4 tăng 1,15%. Đây là tháng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 4 tháng đầu năm.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, kết quả tăng trưởng tín dụng BĐS có được là nhờ các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy thị trường. Trong đó, chính sách tín dụng và lãi suất thấp đã và đang hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người dân vay vốn mà còn kích thích mở rộng và phát triển các hoạt động đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, lĩnh vực du lịch dịch vụ; đồng thời, kích thích tiêu dùng và kinh doanh, từ đó hỗ trợ, thúc đẩy thị trường từng bước cải thiện và tăng trưởng.
Theo thống kê của NHNN, dư nợ tín dụng cho vay khu công nghiệp, khu chế xuất, kinh doanh bất động sản và cho vay chuyển nhượng quyền sử dụng đất có tốc độ tăng trưởng cao hơn các lĩnh vực khác. Trong đó, dư nợ cho vay đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 44,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, nếu xét riêng về tín dụng cho vay BĐS với mục đích để sử dụng như mua nhà để ở, xây và sữa chữa nhà ở, chuyển quyền sử dụng đất để xây nhà ở… thì đây vẫn là phân khúc có tỷ trọng cao nhất, chiếm 68% trong tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn.
Theo Tổng cục thống kê, tính đến hết ngày 20/4, kinh doanh BĐS tiếp tục là lĩnh vực đứng vị trí thứ hai trong thu hút dòng vốn FDI, với hơn 1,6 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, vốn FDI đổ vào lĩnh vực này đã tăng hơn 4 lần.
Lãi suất cho vay mua nhà đang hấp dẫn
Nhìn chung, lãi suất cho vay mua nhà hiện nay vẫn tiếp tục giảm nhằm giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn rẻ vay mua nhà. Thống kê mới nhất của NHNN, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5 điểm % so với cuối năm ngoái; trong khi lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6 điểm %.
Đáng chú ý, lãi suất vay mua nhà tại nhiều ngân hàng hiện chỉ từ 5 - 6%/năm, áp dụng trong 6 - 36 tháng đầu tiên. Nếu so với mức lãi suất tiết kiệm phổ biến kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cho vay hiện ngang hoặc cao hơn chỉ 1%. Sau ưu đãi, lãi suất thả nổi cho các khách vay cũ của nhóm ngân hàng quốc doanh trong khoảng 9 - 10%/năm, trong khi một số ngân hàng tư nhân vẫn neo cao trên 12%/năm.
Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV) đang áp dụng lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, vay tiêu dùng, vay mua nhà ở dao động từ 5 - 7%/năm, tùy kỳ hạn.
Cụ thể, BIDV áp dụng lãi suất vay tối thiểu 5%/năm trong 6 tháng đầu, thời gian vay tối thiểu 36 tháng; hoặc tối thiểu 5,5%/năm trong 12 tháng đầu, thời gian vay tối thiểu 60 tháng. Tại các địa phương khác, mức lãi suất cho vay mua nhà tối thiểu cố định từ 6%/năm áp dụng trong 24 tháng đầu tiên hoặc 7%/năm trong 36 tháng đầu tiên. Chính sách này áp dụng từ nay đến 30/6/2024. Hết ưu đãi, lãi suất thả nổi được tính theo công thức lãi suất cho vay cơ sở cộng với biên độ 3,7%. Phí trả nợ trước hạn là 1% trong 2 năm đầu tiên và 3 năm tiếp theo là 0,5%.
Tại VietinBank, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5,2%/năm, vay trung, dài hạn từ 5,8%/năm, áp dụng cho khách hàng vay sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Với Vietcombank, khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ô tô hoặc vay tiêu dùng, lãi suất ưu đãi từ 6%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng); hoặc 6,3%/năm trong 6 tháng đầu với các khoản vay trung, dài hạn. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi khoảng 9%/năm và thay đổi 3 tháng/lần.
Agribank áp dụng lãi suất từ 4,0%/năm với khoản vay đến 3 tháng, 4,5%/năm với khoản vay trên 3 đến 6 tháng, từ 5,0%/năm với khoản vay trên 6 đến 12 tháng, từ 6,0%/năm với khoản vay trên 12 tháng, từ 6,5%/năm với khoản vay trên 24 tháng. Kể từ năm thứ 3, mức lãi suất cho vay sẽ thả nổi, mức lãi suất thả nổi ước tính theo gói vay này khoảng 8 - 9%/năm.
Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất vay mua nhà cũng ở mức thấp. Chẳng hạn, BVBank đang có lãi suất vay ngân hàng thấp nhất chỉ từ 5%/năm áp dụng cho các khoản vay mua, xây dựng, xây sửa nhà, biên độ sau khi hết ưu đãi là 2%/năm. Lãi suất thả nổi của BVBank dao động từ 9,5% - 10%/năm.
VPBank áp dụng mức 5,9%/năm cho 6 tháng đầu. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng thêm biên độ 3% mỗi năm. Lãi suất thả nổi của VPBank dao động từ 9,5% - 10%/năm
Sacombank áp dụng cố định lãi suất 6,5%/năm trong 6 tháng, 7%/năm cố định 12 tháng, 8%/năm cố định 24 tháng cho các khoản vay phục vụ đời sống (mua, xây, sửa bất động sản; mua ô tô; tiêu dùng). Hết thời gian cố định, lãi suất sẽ điều chỉnh định kỳ 3 tháng/lần.
MSB vay ngắn hạn 5 tháng lãi suất 6,2%, vay ngắn hạn 6 tháng 6,8%, vay trung, dài hạn cố định 12 tháng 6,5% và vay trung, dài hạn cố định 24 tháng lãi suất là 8%.
TPBank áp dụng với khách hàng vay dưới 65% tổng tài sản với nhiều gói ưu đãi. Khách hàng có thể chọn gói lãi suất là 0%/năm cho 3 tháng đầu tiên, 9 tháng tiếp theo là 9%/năm, hoặc gói vay cố định 12 tháng có lãi suất là 7,5%/năm, gói cố định 24 tháng là 8,6%/năm và gói cố định 36 tháng là 9,6%/năm. Lãi suất thả nổi của ngân hàng này lên tới 12 - 12,5%/năm.
ACB áp dụng lãi suất vay mua nhà ở mức 7 - 8%/năm hoặc cố định 9%/năm trong 2 năm đầu tiên.
VIB đưa ra 4 lựa chọn lãi suất cố định từ 5,9%/năm. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ được tính dựa trên chi phí vốn của ngân hàng cộng thêm biên độ 2,8%/năm. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất thả nổi vay mua nhà đang được VIB áp dụng phổ biến ở mức 9 - 10%/năm.
Nhóm các ngân hàng nước ngoài cũng có sự điều chỉnh lãi suất cho vay. Cụ thể, Wooribank áp lãi suất vay cố định trong 5 năm (5,3% cố định trong 6 tháng đầu và 8% cố định trong 54 tháng tiếp theo), hoặc 5,1% cố định 1 năm đầu, 5,5% cố định trong 2 năm đầu, 5,7% cố định trong 3 năm đầu. Lãi suất thả nổi sau ưu đãi của Wooribank vào khoảng 8,7/năm.
Shinhanbank áp dụng 5,5%/năm cố định 6 tháng đầu và 7,5%/năm 54 tháng còn lại; hoặc 5,2%/năm cố định 12 tháng, 5,5%/năm cố định 24 tháng, 6,0%/năm cố định 36 tháng. Lãi suất thả nổi dao động ở mức 8,5 - 8,6%/năm.
Standard Chartered lãi suất cố định 6,0% trong 1 năm, 6,4% trong 2 năm, 6,8% trong 3 năm (áp dụng với các khoản vay từ 1 tỷ đến dưới 3,5 tỷ); hoặc lãi suất cố định 5,8% trong 1 năm, 6,2% trong 2 năm, 6,6% trong 3 năm (áp dụng với các khoản vay trên 3,5 tỷ).
Hong Leong Bank cố định 1 năm đầu tiên 5,5%/năm, cố định 2 năm đầu 6%/năm, cố định 3 năm đầu 7,5%/năm. Lãi suất thả nổi từ năm thứ 2 đến năm thứ 4 được tính bằng lãi suất cơ bản + từ 0,75%/năm; từ năm thứ 5 trở đi được tính bằng lãi suất cơ bản + từ 0,49%/năm.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao