TP Hồ Chí Minh: Sản xuất công nghiệp năng lượng xanh thu hút đầu tư ngoại
18/06/2024 08:04
Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh chiến lược thu hút đầu tư, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.
Nắm bắt đà phục hồi của hoạt động sản xuất công nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh ở nhiều lĩnh vực tiếp tục đẩy mạnh chiến lược thu hút đầu tư, trong đó có doanh nghiệp sản xuất công nghiệp năng lượng xanh.
Cụ thể, trên tinh thần của công cuộc chuyển dịch năng lượng, sự phát triển của xe điện ở Việt Nam làm giảm phát thải carbon, hướng đến tăng trưởng kinh tế xanh, nhiều đơn vị sản xuất xe điện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước nhận diện được cơ hội trong việc xanh hóa sản phẩm.
Đặc biệt, đơn vị sản xuất xe điện đã kịp thời nắm bắt những cơ chế chính sách của nhà nước trong khuyến khích sản xuất và tiêu thụ xe điện.
Mặt khác, thống kê thị trường xe máy điện của Việt Nam đang lớn nhất ở ASEAN và lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc.
Trong tương lai, dự báo thị trường xe điện Việt Nam còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng, với tổng doanh số bán xe máy và ôtô điện hàng năm có thể tăng từ dưới 1 triệu trong năm 2024 lên trên 2,5 triệu vào năm 2036 và cho thấy tiềm năng thị trường của ngành này ở Việt Nam.
Ghi nhận thực tế, sự phát triển của nhóm phương tiện chạy điện đang đóng góp vào mục tiêu cân bằng phát thải cacbon và thúc đẩy nguồn lực phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn cho Việt Nam nói chung và trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Những đơn vị sản xuất phương tiện chạy điện đã phần nào thành công trong phát triển sản phẩm và tung ra thị trường.
Điển hình, Sở Giao thông Vận tải, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Saigon.PT đã khai trương dịch vụ xe điện phục vụ khách tham quan, du lịch tại khu vực quận 1, quận 4, quận 5, quận 6…
Trong số đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Saigon.PT là doanh nghiệp liên doanh Việt Nam-Nhật Bản sẽ cung cấp, vận hành khoảng 70 phương tiện chạy điện được sử dụng để chở khách, với sức chứa 8 chỗ và thời hoạt động từ 6-24 giờ hàng ngày.
Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai loại hình xe điện này góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhất là khách tham quan, du lịch.
Xe điện cũng hỗ trợ kết nối với đa dạng phương tiện giao thông khác như xe buýt, xe đạp công cộng... giúp phát triển giao thông công cộng phù hợp với các chương trình, kế hoạch của thành phố và chủ trương quốc gia về phát triển giao thông xanh.
Còn mới đây, Công ty BCG Energy (thành viên Tập đoàn Bamboo Capital, Việt Nam), Công ty SK Ecoplant (thuộc Tập đoàn SK, Hàn Quốc) và SLC (Sudokwon Landfill Site Management Corp-Tập đoàn quản lý bãi chôn lấp Sudokwon, Hàn Quốc) đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển dự án điện rác và các giải pháp xử lý rác thải.
Các bên sẽ lên kế hoạch hợp tác đầu tư xây dựng phương án xử lý rác thải, gồm tái chế, phân loại và xử lý các bãi rác thải; xây nhà máy đốt rác phát điện và phát triển dự án quốc tế giảm khí thải nhà kính trên một số địa bàn thuộc tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Liên quan đến sự hợp tác này, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng giám đốc BCG Energy cho biết với sự chung tay của các bên liên quan và sự đồng hành của những đơn vị uy tín hàng đầu của Việt Nam, Hàn Quốc trong lĩnh vực năng lượng và xử lý rác thải, thỏa thuận hợp tác giữa Bamboo Capital, SK Ecoplant và SLC sẽ mang đến giải pháp hiệu quả cho bài toán xử lý rác thải, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững.
Sự hợp tác này cũng sẽ thúc đẩy thu hút đầu tư tại Việt Nam, hiện thực hóa những mục tiêu chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Còn ông Song Byung Eog, Chủ tịch Tập đoàn SLC, chia sẻ Việt Nam là quốc gia liên tục trao đổi với Hàn Quốc trong lĩnh vực năng lượng, môi trường, đặc biệt về vấn đề giảm khí thải nhà kính.
Đây là mô hình phát triển kinh doanh thiết thực, không chỉ mang tính hợp tác giữa các chính phủ, mà còn thiết lập mối quan hệ hợp tác với các công ty năng lượng, môi trường địa phương.
Trong khi đó, một số chuyên gia đánh giá hiện tại năng lực sản xuất công nghiệp của Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh đang được mở rộng thông qua đa dạng dòng vốn FDI dồi dào và điều này sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi mang tính chu kỳ mạnh mẽ hơn khi chu kỳ thương mại nói chung.
Cụ thể, các công ty đa quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất công nghiệp năng lượng, nhất là thành công xanh hóa ngành sản xuất công nghiệp năng lượng cũng chịu ảnh hưởng từ việc duy trì đầu tư nước ngoài và hợp tác với doanh nghiệp trong nước.
Ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng với kết quả đạt được của chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cho thấy những chủ trương, chính sách của thành phố đã phát huy được hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề.
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư tiếp tục được sở ngành thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp, từ đó tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường.../.
Nguồn:vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao