Tìm giải pháp tăng giá trị lúa gạo
15/05/2024 10:35
Tỉnh Đắk Lắk đứng đầu khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên về diện tích trồng lúa.
Năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh được mùa, được giá vụ lúa Đông Xuân. Cùng với những lợi thế sẵn có, tỉnh có nhiều tiềm năng để gia tăng giá trị cho ngành hàng lúa gạo.
Lúa được mùa, được giá
Vụ Đông Xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh Đắk Lắk gieo trồng 46.581 ha lúa nước, đạt 116,45% kế hoạch đề ra. Những ngày này, không khí thu hoạch nhộn nhịp, tấp nập trên những cánh đồng trồng lúa của tỉnh. Qua ghi nhận, năng suất vụ Đông Xuân trên địa bàn dao động khoảng 7-10 tấn/ha, có nơi đạt 12 tấn/ha, cao hơn trung bình vụ Đông Xuân 2022 - 2023 khoảng 6 tạ/ha. Giá cao hơn 2.000 đồng/kg so với vụ Đông Xuân 2022 - 2023. Người dân phấn khởi vì thời tiết nắng ráo, thuận lợi cho thu hoạch, lúa được mùa, được giá.
Gia đình anh Nguyễn Cảnh Đạo, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana gieo trồng hơn 1ha lúa. Vụ Đông Xuân năm nay, gia đình anh Đạo thu được 11 tấn lúa, giá bán từ 10.500 - 10.600 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cho gia đình khoảng 70 triệu đồng.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Hòe, xã Buôn Triết, huyện Lắk gieo trồng 6ha lúa Đông Xuân, năng suất đạt 1 - 1,2 tấn/ha. Gia đình anh bán lúa bán tại ruộng, giá dao động hơn 10.000 đồng/kg đối với lúa ST 24, ST 25 và hơn 8.000 đồng/kg đối với lúa Đài Thơm 8.
Anh Hòe cho biết: Nhờ kinh nghiệm tích lũy và thường xuyên tham gia các hội thảo, hội nghị về lúa gạo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên việc trồng lúa của gia đình đạt hiệu quả cao. Giá lúa vụ Đông Xuân tăng, năng suất đạt. Gia đình vừa thu hoạch vụ lúa Đông Xuân, vừa phấn khởi chuẩn bị để triển khai gieo sạ vụ lúa Hè Thu.
Hiện nay, các vùng trọng điểm trồng lúa của tỉnh Đắk Lắk như: các huyện Ea Súp, Krông Pắc, Lắk, Ea Kar, Krông Bông, Krông Ana… đã thu hoạch được 80% diện tích lúa Đông Xuân. Năm nay, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp và các địa phương đã chủ động ban hành, hướng dẫn khung lịch thời vụ, xây dựng kế hoạch sản xuất và phương án phòng, chống hạn… Nhìn chung, vụ Đông Xuân 2023 - 2024 gặp nhiều thuận lợi, ít sâu bệnh.
Theo ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết (huyện Lắk), xã có hơn 2.000 ha lúa Đông Xuân. Được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, đất đai màu mỡ, cộng với kinh nghiệm của nông dân xã trong việc canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất lúa đạt, chất lượng gạo tốt. Tuy nhiên, diện tích lúa của xã đa số nằm ở vùng trũng của huyện, liên tiếp gặp thiên tai ở vụ Hè Thu. Do đó, địa phương mong muốn, UBND tỉnh quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến Đê bao ngăn lũ phía Nam sông Krông Ana để đảm bảo an toàn diện tích lúa Hè Thu cho người dân 3 xã Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Liêng.
Tăng giá trị lúa gạo
Bên cạnh các cây công nghiệp lâu năm, lúa là cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Lắk, gắn bó với đời sống của nhân dân 49 dân tộc từ bao đời nay. Tìm giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo sẽ góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, thiết thực xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo anh Nguyễn Văn Tình, thương lái thu mua lúa ở huyện Lắk chia sẻ, lúa gạo huyện Lắk nói riêng và toàn tỉnh Đắk Lắk nói chung có năng suất, sản lượng, chất lượng rất tốt. Hàng năm, đến vụ thu hoạch, thương lái từ các tỉnh như: Tiền Giang, Long An, An Giang, Bến Tre... đến huyện thu mua lúa tươi.
Giá vận chuyển, cước đường sá làm ảnh hưởng đến giá thu mua. Trong khi đó, huyện là “vựa” lúa lớn nhất nhì của tỉnh thì chưa có nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo quy mô lớn, chưa có công nghệ chế biến sâu đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cùng quan điểm, anh Y Suk Ênuôl, xã Buôn Tría (huyện Lắk) cho rằng, được nhà nước quan tâm đầu tư, hệ thống giao thông nội đồng và kênh mương thủy lợi trên địa bàn xã đã được kiên cố hóa, thuận lợi tưới nước và vận chuyển nông sản. Tuy nhiên, nông dân trên địa bàn xã chủ yếu bán lúa tươi, lúa thô cho thương lái, doanh nghiệp từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lên thu mua. Do đó, anh Y Suk Ênuôl mong muốn, trên địa bàn xã có nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo quy mô lớn để nông dân thu được giá trị cao hơn.
Bên cạnh đó, để gia tăng năng suất, chất lượng, hầu hết các vùng trồng lúa trong tỉnh đã sử dụng nhiều giống lúa mới, chất lượng cao vào sản xuất như: Đài thơm số 8, RVT, ST 25, OM4900, HT1, OM5451… Nông dân đã tích cực áp dụng các kỹ thuật tiên tiến về gieo sạ, chăm sóc, tưới nước, bón phân hợp lý để nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón; ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Ngành nông nghiệp, các địa phương quan tâm, tổ chức tập huấn chuyển giao các quy trình canh tác tiên tiến, quy trình quản lý dịch hại tổng hợp vào sản xuất lúa.
Tuy nhiên, sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: giá đầu vào liên tục tăng cao; lũ lụt thường xuyên xảy ra ở vụ Hè Thu; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đồng bộ; chưa đi sâu vào bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất lúa chưa nhiều, mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường, chưa tạo được sản phẩm lúa gạo chất lượng cao có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hắc Hiển cho biết, để phát triển cây lúa và gia tăng giá trị ngành hàng, trong thời gian tới, tỉnh rà soát lại diện tích trồng lúa; trong đó, các vùng trồng lúa phải gắn với các công trình thủy lợi để đảm bảo nước tưới. Tại những vùng trọng điểm lúa, ngành nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh tiếp tục hình thành những vùng sản xuất lúa tập trung, chuyên canh, gắn với các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất theo chuỗi giá trị. Các vùng trọng điểm lúa vừa chú trọng nâng cao năng suất, sản lượng, vừa chú trọng xây dựng thương hiệu; đồng thời, xây dựng các phương án, khả năng phòng, chống, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Hắc Hiển nhấn mạnh, lúa gạo vừa là sản phẩm đảm bảo an ninh lương thực; đồng thời, là hàng hóa. Do vậy, ông Nguyễn Hắc Hiển kỳ vọng, tỉnh sẽ thu hút được các nhà đầu tư, doanh nghiệp về xây dựng các nhà máy chế biến sâu tại vùng nguyên liệu trồng lúa, đảm bảo chất lượng để xuất khẩu.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao