Thúc đẩy thị trường điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ
11/05/2024 16:41
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), trung bình mỗi hộ gia đình Việt Nam chi tiêu khoảng 8,4 triệu đồng cho các thiết bị gia dụng. Vì vậy, thị trường điện tử cần phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Hiện nay, xu hướng tiêu thụ các sản phẩm điện, điện tử tiêu dùng của người dân Việt Nam đa số hướng đến sử dụng các thiết bị công nghệ inverter cải tiến; một thiết bị, nhiều tiện ích; kết nối thông minh, dễ dàng điều khiển từ xa… Vì vậy, Triển lãm quốc tế Điện tử và Thiết bị thông minh Việt Nam 2024 (IEAE) diễn ra từ ngày 23 - 25/5 tại TP Hồ Chí Minh sẽ giúp doanh nghiệp cập nhật xu hướng của người tiêu dùng, công nghệ hiện đại và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp tục mở rộng thị trường.
Theo đó, triển lãm năm nay có quy mô đột phá với 600 doanh nghiệp tham gia 800 gian hàng trưng bày trên diện tích 20.000 m2, trưng bày hàng chục nghìn sản phẩm điện – điện tử tiêu dùng, thiết bị gia dụng, linh kiện điện tử, thiết bị chiếu sáng và các sản phẩm khác. Hiện nay, các thương hiệu lớn trong ngành điện tử, chuỗi bán lẻ và gia dụng thông minh cũng đã đăng kí tham gia triển lãm gồm: Panasonic, Mega Housewares, Green Cook, FPT, Tiktok Shop, Fujifilm, Altech Computer, Mobifone, VNG Vietnam…
Liên quan đến thị trường điện tử gia dụng, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho biết, quy mô thị trường đồ gia dụng tại Việt Nam trị giá ước tính lên đến 12,5 – 13 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 10%/năm, trong đó ngành hàng gia dụng đã chiếm 9% tổng gói tiêu dùng cá nhân của người Việt Nam vào năm 2023 đứng thứ 4 về quy mô ngành thị trường tiêu dùng. Điều này cho thấy, ngành hàng tiêu dùng có triển vọng phát triển khá lớn, nhất là khi có sự tăng trưởng về thu nhập và thay đổi trong nhu cầu về chất lượng và mẫu mã sản phẩm điện tử gia dụng ngày càng đa dạng.
Đáng chú ý, hiện các thương hiệu hàng gia dụng trong nước đang chiếm 80% thị phần hàng gia dụng, 20% thuộc về các thương hiệu ngoại. Tuy nhiên, trong 80% thị phần các doanh nghiệp tại Việt Nam, chủ yếu là hàng có xuất xứ Trung Quốc thông qua “bắt tay” với doanh nghiệp nội như Sunhouse, Kangaroo... Ngoài ra, có sự thay đổi đáng kể trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên toàn cầu. Theo đó, thay vì mua sắm dựa trên sở thích cá nhân, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang mua sắm dựa trên nhu cầu thực tế, ưu tiên các sản phẩm cần thiết và có giá trị sử dụng lâu dài.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao