Thúc đẩy chăm sóc và tiêu thụ nhãn, vải

19/04/2018 07:01

Tiếp tục mở rộng thị trường nội địa, đồng thời xúc tiến thương mại để tăng lượng nhãn, vải xuất khẩu. Đẩy mạnh tổ chức các sự kiện quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vải, nhãn trong và ngoài nước.

Đó là ý kiến của các đại biểu đưa ra tại Hội nghị “Thúc đẩy chăm sóc và tiêu thụ nhãn, vải các tỉnh trọng điểm phía Bắc niên vụ 2018” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 18/4.

 


Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: BT)

Dự báo mùa vải, nhãn năm nay được mùa

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt  Nguyễn Hồng Sơn, vải, nhãn là cây ăn quả chủ lực tại các tỉnh miền Bắc, với tổng diện tích năm 2017 khoảng 98,3 nghìn ha, chiếm 27% tổng diện tích cây ăn quả miền Bắc (363,5 nghìn ha). Trong đó, vải 58,8 nghìn ha (chiếm 16% diện tích cây ăn quả của miền Bắc), nhãn 39,5 nghìn ha (chiếm 11% diện tích cây ăn quả miền Bắc), tập trung tại một số tỉnh vùng Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng.

Năm nay, điều kiện thời tiết khí hậu thuận lợi cho phân hóa mầm hoa, ra hoa vải, nhãn ở các tỉnh phía Bắc. Thời tiết từ tháng 3 đến tháng 5 khá thuận lợi cho vải, nhãn nở hoa, đậu quả và phát triển quả.

Hiện nay cây vải, nhãn đang sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây ra hoa, đậu quả đạt trên 90%. Các trà vải sớm đang trong giai đoạn quả non - vào cùi, trà vải chính vụ trong giai đoạn quả non; cây nhãn đang trong giai đoạn nở hoa, đậu quả non. Với điều kiện thời tiết hiện nay, dự báo nếu không có yếu tố cực đoan, bất thường và được chăm sóc, quản lý sâu bệnh tốt thì năng suất vải, nhãn sẽ được mùa.

Đại diện tỉnh Hưng Yên cho biết, diện tích vải, nhãn trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.300ha, trong đó, diện tích nhãn đạt 4.300ha. Năm nay, thực hiện sản xuất niên vụ vải, nhãn 2018, người dân đang áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, thủ công, cơ giới, phân bón, nước, bảo vệ thực vật,… để chăm sóc cây trồng. Dự báo tình hình nhãn, vải ở địa phương được mùa, trong đó, sản lượng vải tăng khoảng 15%, sản lượng nhãn tăng khoảng 30% so với mùa trước.

Theo đại diện của tỉnh Hải Dương, năm nay, dự kiến sản lượng vải đạt cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây kể từ năm 2008. Tổng sản lượng vải năm nay dự kiến đạt 55.000-60.000 tấn, cao gấp đôi so với năm 2017. Trong đó, trà vải thiều chính vụ dự kiến đạt 35.000-40.000 tấn.

Tại các địa phương trọng điểm trồng vải khác, ghi nhận tình hình ra hoa, đậu quả của nhãn, vải cũng đạt tỷ lệ cao, hứa hẹn niên vụ 2018 được mùa.

Tạo điều kiện để kết nối thị trường tiêu thụ

Để tạo điều kiện cho vải, nhãn tiếp cận tới thị trường tiêu thụ, tại Hội nghị, đại diện tỉnh Hưng Yên kiến nghị cần tăng cường công tác truyền thông, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về hình ảnh của vải, nhãn; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến thương mại để mở rộng đến thị trường quốc tế. Đồng thời, đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Công Thương dự báo tình hình thị trường trong những năm tới để tỉnh chủ động công tác quy hoạch về diện tích trồng, sản lượng dự kiến.

Cùng với đó, hỗ trợ kết nối giữa các địa phương với cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn quy trình thâm canh mới cho người trồng; hỗ trợ đẩy mạnh thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp vừa sản xuất, tiêu thụ chế biến cây ăn quả nhằm hình thành chuỗi khép kín trong sản xuất, tiêu thụ vải, nhãn.

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước, các đại biểu đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Công Thương đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại nhằm đảm bảo lượng xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ chính. Với thị trường Nhật Bản, đề nghị các tỉnh tạo điều kiện liên kết Hợp tác xã, hướng dẫn người trồng chăm sóc ngay từ đầu để đảm bảo không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo yêu cầu của phía nước nhập khẩu. 

Với sản lượng tăng lên cũng đặt ra những vấn đề khó khăn trong công tác bảo quản, chế biến. Thị trường muốn mở rộng sang nhiều nước nhưng gặp khó là thời gian để bảo quản, vì vậy, vấn đề quan tâm làm sao có thể bảo quản lâu hơn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua số lượng sản phẩm lớn hơn nhiều.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nhằm tạo điều kiện cho sản xuất và xuất khẩu, các địa phương cần có sản phẩm tốt. Trong đó, cần tập trung hướng dẫn sản xuất, chăm sóc theo hướng hữu cơ sạch; chăm sóc cây theo hướng đạt tỷ lệ đậu quả cao nhưng cũng cần giữ mật độ quả cho kinh tế phù hợp. Bên cạnh đó, cần rà soát lại những phương án về thị trường, chú ý tới thị trường trong nước. Đặc biệt, cần xác định được mùa nhưng không mất giá, trong đó để thực hiện điều này, rất cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, cùng chung tay kết nối tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm nhãn, vải ở trong nước và xuất khẩu./.

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Viết bình luận mới