Thích ứng với hạn, mạn ở vùng chuyên canh thanh long
16/04/2024 14:43
Trước diễn biến nắng nóng kéo dài cùng mặn xâm nhập mùa khô 2023-2024, các địa phương trong vùng chuyên canh thanh long của Tiền Giang thực hiện nhiều biện pháp tích để thích ứng, duy trì sản xuất.
Vùng chuyên canh thanh long lớn nhất Tiền Giang tập trung ở huyện Chợ Gạo với 6.870 ha, diện tích thanh long đang cho trái là 5.850 ha với sản lượng thu hoạch 190.000 tấn/năm. Trong số đó, các xã thuộc dự án sông Bảo Định, Tây kênh Chợ Gạo như Mỹ Tịnh An, Qươn Long, Tân Thuận Bình… thì nguồn nước tưới tiêu đến thời điểm này được đảm bảo.
Theo ông Cao Tấn Triển - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Tịnh An (huyện Chợ Gạo), đến thời điểm này, lượng nước ngọt đảm bảo đủ để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhờ chủ động thực hiện nạo vét các tuyến kênh trên địa bàn, nguồn nước từ các kênh trục chính cùng hệ thống kênh nội đồng được thông thoáng, đảm bảo yêu cầu trữ nước, dẫn nước phục vụ sản xuất.
Xã Mỹ Tịnh An có trên 320 ha thanh long là cây trồng chủ lực; trong đó, có 301 ha đang cho trái, còn lại 487 ha dừa với diện tích cho trái 402 ha cùng 90 ha màu các loại... Để thích ứng hạn, mặn năm nay, người dân địa phương đã thực hiện giải pháp tích trữ cũng như sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt, thực hiện tưới nước tiết kiệm trên cây thanh long, cây dừa; ưu tiên nguồn nước tưới cho những vườn thanh long đang có trái chuẩn bị thu hoạch.
Một trong những điển hình trong việc thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu ở địa phương là ông Lê Văn Thủy, ấp Mỹ Khương - xã viên của Hợp tác xã sản xuất thanh long Mỹ Tịnh An. Với 1,5 ha trồng thanh long, ông cùng các xã viên trong hợp tác xã đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước trên vườn thanh long. Cách làm này không chỉ phát huy hiệu quả vào thời điểm hạn, mặn mà còn tiết kiệm được chi phí, thời gian, tăng lợi nhuận trong sản xuất. Trung bình mỗi năm, vườn thanh long của ông đạt lợi nhuận từ 500-700 triệu đồng.
Cũng nằm trong vùng chuyên canh thanh long của tỉnh Tiền Giang, các xã thuộc dự án ngọt hóa Gò Công của huyện Chợ Gạo như xã Bình Phục Nhứt, Bình Phan, Bình Ninh… thì gặp khó khăn về thiếu nước phục vụ tưới tiêu vì nước tại các kênh nội đồng đã cạn kiệt. Từ ngày 3/4, cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) đã tổ chức vận hành lấy gạn nước tại cống Xuân Hòa với độ mặn nhỏ hơn 2 gam/lít nhằm nhằm nâng cao mực nước trên các kênh trục chính, kênh sườn trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công chủ yếu để hạ nền nhiệt do nắng nóng gây ra chứ không phục vụ tưới tiêu cho cây ăn trái được
Tại xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, chính quyền cùng người dân trong xã áp dụng biện pháp sử dụng nguồn nước bơm từ các giếng khoan sau khi xử lý lắng ở kênh để phục vụ tưới mát cho vườn thanh long. Các chủ vườn thanh long không có giếng khoan thì chung tiền để trả chi phí tiền điện cùng đường ống dẫn nước về vườn của mình. Nhờ cách làm này, 475 ha thanh long đang cho trái trên địa bàn xã có nước tưới để thu hoạch trái, không bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng hạn.
Anh Võ Thanh Phong, ấp Bình Thọ 2, xã Bình Phục Nhứt cho biết, nhờ nguồn nước chia sẻ từ giếng khoan của hộ lân cận nên gia đình đủ nước tưới cho diện tích 3.000 m2 thanh long trong mùa khô năm nay. Với giá bán 25.000 đồng/kg, vào cuối tuần qua, anh Phong vừa bán được 3 tấn thanh long, lợi nhuận thu được khoảng 40 triệu đồng.
Ông Võ Thành Hiệp, Chủ tịch UBND xã Bình Phục Nhứt chia sẻ, chính quyền xã thường xuyên khuyến cáo nông dân tiết kiệm nước, áp dụng biện pháp phủ gốc thanh long bằng rơm, lục bình để giữ độ ẩm, hạn chế xông đèn xử lý ra hoa nghịch vụ vào thời điểm này... Bên cạnh đó, cán bộ xã, ấp tăng cường kiểm tra thực tế cơ sở để kịp thời giải quyết những khó khăn cho người dân; nỗ lực không để người dân bị thiệt hại do thiếu nước phục vụ sản xuất.
Nhờ áp dụng những biện pháp thích ứng linh hoạt trong mùa hạn, mặn cùng nắng nóng kéo dài, tình hình sản xuất thanh long hiện nay tại vùng chuyên canh thanh long của tỉnh Tiền Giang cơ bản được đảm bảo. Vào những ngày này, giá mua thanh long ở huyện Chợ Gạo đang được duy trì ở mức cao. Nông dân huyện Chợ Gạo hiện đang thu hoạch vụ thanh long nghịch mùa với khoảng 4.000 ha, ước sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn, chiếm 50% trên tổng diện tích thanh long của toàn tỉnh. Thương lái hiện thu mua tại vựa với giá 40.000/kg đối với loại I, 35.000 đồng/kg đối với loại II, 30.000 đồng/kg đối với loại III và 25.000 đồng/kg đối với loại IV.
Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của hạn mặn, cùng với chính quyền địa phương, người dân vùng chuyên canh thanh long của Tiền Giang tích cực chủ động triển khai các biện pháp thích hợp để thích ứng, đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn, bảo vệ sản xuất.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao