Thị trường ô tô Việt Nam tăng nhẹ nhờ 'tự kích cầu'
13/06/2024 12:49
Thị trường ô tô Việt Nam tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của phân khúc xe nhập khẩu, trái ngược với doanh số xe lắp ráp trong nước.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố, doanh số bán hàng toàn thị trường của các thành viên VAMA trong tháng 5/2024 đạt 25.794 xe, tăng 6% so với tháng 4/2024.
Trong tổng doanh số bán hàng trên, có 18.235 xe du lịch, tăng 6%; 7.292 xe thương mại tăng 7%; và 267 xe chuyên dụng, giảm 4% so với tháng trước. Qua đó cho thấy, phân khúc xe du lịch tiếp tục là trụ cột chính, chiếm 71% tổng doanh số bán hàng và tập trung vào nhu cầu xe cá nhân. Tương tự, nhóm xe thương mại cũng ghi nhận mức tăng trưởng 7%, tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, xét về nguồn gốc xe, trong khi doanh số của xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 11.985 xe, chỉ tăng 0,02% thì doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 13.809 xe, tăng 12% so với tháng trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường của các thành viên VAMA đạt 108.309 xe các loại, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng tính đến hết tháng 5/2024 và xét theo nguồn gốc xe, trong khi doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 14% thì nhập khẩu tăng 8% so với cùng kì năm ngoái…
Bên cạnh doanh số bán hàng trên, thị trường ô tô Việt Nam còn có sự góp mặt của nhiều hãng xe khác, chủ yếu là nhập khẩu như Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Nissan, Subaru, Volkswagen, Volvo, Haval... nhưng các hãng xe này không tiết lộ kết quả kinh doanh.
Cùng với đó, với lý do đáp ứng yêu cầu của thị trường chứng khoán Mỹ, kể từ tháng 8/2023 VinFast chỉ công bố doanh số theo từng quý trong năm nên không công bố số liệu bán hàng hàng tháng như trước đây. Chỉ tính thêm doanh số bán hàng công bố chính thức từ Tập đoàn Thành Công (TC Group) với thương hiệu xe Hyundai, trong tháng 5 vừa qua đơn vị này tiêu thụ 4.914 xe, nâng lũy kế 5 tháng đầu năm lên 19.334 xe. Như vậy, tính chung doanh số công bố chính thức từ VAMA và TC Group trong tháng 5 vừa qua, toàn thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ 30.708 xe và trong 5 tháng đầu năm là 127.643 xe các loại.
Liên quan đến doanh số bán xe nhập khẩu nguyên chiếc có mức tăng trưởng hơn so với xe sản xuất lắp ráp trong nước, các chuyên gia trong ngành cho rằng, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA cam kết đưa thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về 0% áp dụng cho xe đạt tỉ lệ nội địa hóa từ trên 40%, thay cho mức thuế áp dụng 50-70% giá trị xe như trước đây.
Điển hình là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất nhập khẩu ô tô đã giảm về 0% từ năm 2018. Ngay sau khi cam kết bỏ thuế suất nhập khẩu ô tô từ ASEAN, nhiều sản phẩm sản xuất trong nước đã không cạnh tranh nổi với sản phẩm đến từ Thái Lan và Indonesia là hai quốc gia xuất khẩu ô tô sang Việt Nam nhiều nhất (chiếm 75% thị phần) đang được miễn thuế nhập khẩu.
Cùng với đó, ngoài lợi thế là xe nhập khẩu nguyên chiếc và để cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu cũng được các hãng liên tục "tự kích cầu" bằng việc tung ra những chương trình ưu đãi lớn, hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách hàng, giúp tăng doanh số hơn so với xe lắp ráp trong nước.
Cũng từ đầu năm đến nay, xe lắp ráp được các nhà sản xuất, đại lý liên tục áp dụng các ưu đãi thông qua nhiều hình thức khác nhau, nhưng thị trường vẫn trầm lắng vì thông tin Chính phủ đang xem xét áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ 4 cho ô tô lắp ráp trong nước. Điều này khiến khách hàng có nhu cầu mua xe lắp ráp trong nước có tâm lý chờ đợi để hưởng các ưu đãi kép khiến doanh số xe nhập khẩu tăng trưởng hơn.
Trước đó, vào cuối tháng 4/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Mới đây, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị định giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước. Nếu được thông qua, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có thể được giảm lệ phí trước bạ 50% từ ngày 1/7 cho đến hết ngày 31/12/2024 và đây là lần thứ 4 Chính phủ áp dụng chính sách này. Qua đó sẽ kích thích sức mua của thị trường ô tô.
Các chuyên gia cũng cho rằng, thị trường ô tô Việt Nam đang có sự thay đổi rõ rệt với xu hướng xe nhập khẩu tăng mạnh. Việc này vừa có tác động tích cực vừa có tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp ô tô nội địa. Do đó, việc sớm áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dù chỉ trong ngắn hạn nhưng cũng kích thích được thị trường. Tuy nhiên, chính sách này hết hiệu lực, xe sản xuất lắp ráp trong nước lại gặp bất lợi trước xe nhập khẩu nguyên chiếc.
Để có giải pháp phù hợp, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cần có sự chung tay góp sức của cả Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời có các giải pháp về thuế, phí hợp lý, mới tạo ra sức cạnh tranh cho xe trong nước về lâu dài.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao