Thép ngoại 'chảy' mạnh vào Việt Nam
21/03/2024 15:53
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhập khẩu thép vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh về số lượng từ năm 2023 đến những tháng đầu năm 2024.
Lý do nào khiến thép ngoại tràn vào, trong khi Việt Nam đang có những doanh nghiệp mạnh về năng lực sản xuất, cung ứng cũng như công nghệ thép?
Nhập khẩu tăng 2,5 lần
Số liệu nhập khẩu mới nhất của VSA cho hay, tính trong cả năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại về Việt Nam khoảng 13,33 triệu tấn với trị giá hơn 10,4 tỷ USD, tăng 14,07% về lượng nhưng giảm 12,55% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc là quốc gia cung cấp nhiều nhất với hơn 62% tổng lượng và hơn 54% về tổng giá trị.
Bước sang năm 2024, lượng nhập khẩu đã tăng mạnh hơn. Cụ thể, ngay từ tháng 1, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 1,488 triệu tấn thép, tăng 27,25% so với cuối năm 2023 và tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước về lượng nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu đạt hơn 1,059 triệu USD, tăng 22,3% so với tháng trước và tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Các quốc gia, vùng lãnh thổ cung cấp thép chính cho Việt Nam gồm Trung Quốc 67,6%, Nhật Bản 9,12%, tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc...
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam là gần 2,65 triệu tấn, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thép nhập từ Trung Quốc chiếm 1,8 triệu tấn, cao gấp 3 lần về lượng và gấp 2,4 lần về trị giá.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, về sản xuất thép trong nước, tổng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước hiện đạt khoảng 23 triệu tấn thép thô (phôi vuông, phôi dẹt). Năng lực sản xuất thép thành phẩm bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng, cán nguội, tôn mạ, ống thép đạt khoảng 38,6 triệu tấn/năm. Thực tế năm 2023, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép sản xuất gần 28 triệu tấn, tiêu thụ đạt 26,3 triệu tấn; trong đó xuất khẩu đạt 8 triệu tấn.
Như vậy, năng lực sản xuất trong nước cơ bản là đáp ứng nhu cầu trong nước. Không những thế, thép Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Việc thép ngoại liên tiếp tràn vào trong nước là vấn đề cần lưu tâm, bởi sẽ “hút” thị phần của doanh nghiệp sản xuất trong nước trong khi các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ tại Việt Nam chưa mạnh để bảo vệ sản xuất trong nước, đại diện VSA chia sẻ thêm.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) trên cơ sở số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022 và 2023, trong 10 quốc gia cung cấp thép cho Việt Nam, Trung Quốc luôn ở vị trí số 1.
Đặc biệt, con số nhập khẩu tăng mạnh theo năm. Cụ thể, năm 2022, nhập khẩu thép thành phẩm các loại từ Trung Quốc đạt hơn 5 triệu tấn, tương ứng gần 5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lần lượt là 43,64% và 41,65%; thì đến năm 2023, nhập khẩu thép thành phẩm các loại từ Trung Quốc là hơn 8,2 triệu tấn, tương ứng hơn 5,65 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lần lượt là 62,18% và 54,21%.
Nguyên nhân do đâu
Thông thường nhiều năm trước, lượng nhập khẩu từ Trung Quốc bình quân chỉ chiếm khoảng 50%, thậm chí có thời điểm xuống hơn 40% tổng lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam. Với xu hướng nhập khẩu tăng mạnh vừa qua, ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho rằng, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, thị trường bất động sản nguội lạnh khiến nhu cầu tiêu thụ sắt thép yếu. Nhu cầu nội địa kém, song sản xuất thép tại Trung Quốc rất mạnh, mỗi ngày có thể lên đến vài triệu tấn – bằng sản lượng thép Việt Nam trong cả tháng. Điều này thúc ép họ phải đẩy mạnh xuất khẩu và gây áp lực lên nhiều thị trường chứ không riêng gì Việt Nam.
Không chỉ vậy, chuyên gia Nguyễn Văn Sưa cũng cho biết, các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại trong nước vẫn chưa mạnh, chưa đầy đủ. Trong khi ngược lại, hàng Việt xuất khẩu đi các nước, đặc biệt là thép liên tục phải chịu các vụ viêc phòng vệ thương mại, chống bán phá giá...
Thông tin từ một tập đoàn sản xuất thép lớn tại Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng với thép cán nóng, 70% lượng nhập khẩu là từ Trung Quốc, gây áp lực lớn với sản xuất trong nước. Thực trạng nhập khẩu sắt thép Trung Quốc tăng mạnh trong bối cảnh hiện nay là do hầu hết sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%.
“Giá bán thép của Trung Quốc và các quốc gia khác cung cấp cho Việt Nam đã giảm rõ rệt. Thép cuộn cán nóng (HRC) của Trung Quốc giảm từ 618 USD/tấn vào quý I/2023 xuống còn 557 USD/tấn trong quý IV/2023. Điều này gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, có dấu hiệu bán phá giá, ảnh hưởng sản xuất trong nước”, thông tin từ doanh nghiệp này chỉ ra.
Thực tế số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập 1,89 triệu tấn thép HRC, trị giá trên 1 tỷ USD. Trong đó, nguồn thép từ Trung Quốc là 1,4 triệu tấn, chiếm 74,2% tổng lượng HRC nhập trong 2 tháng.
Theo Công ty CP Thép Việt, nguyên nhân nhập khẩu tăng cao từ thị trường này là do có giá rẻ hơn các thị trường khác nhờ lợi thế từ thuế. Hiện, gần như các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%. Ngoài ra, lý do quan trọng khác khiến thép Trung Quốc ùn ùn vào Việt Nam là hàng rào kỹ thuật trong việc nhập thép bị bãi bỏ. Cho đến nay, số vụ phòng vệ thương mại với hàng hóa, đặc biệt với thép của Việt Nam có thể đếm trên đầu ngón tay.
Theo chia sẻ từ các doanh nghiệp, tình trạng nhập khẩu thép ngày càng lớn với giá rẻ có nguy cơ làm mất cân bằng cán cân thương mại, chảy máu ngoại tệ và làm thất thu ngân sách nhà nước. Cần thiết một giải pháp đồng bộ từ chính sách nhà nước để tạo sự cạnh tranh công bằng trên thị trường thép...
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan
Bất động sản phía Nam chuyển biến tích cực dịp cuối năm
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp