Thanh Hóa: Nhiều diêm dân bỏ hoang ruộng do giá muối quá thấp
22/01/2024 13:02
Trong 5 năm gần đây, giá muối trên thị trường luôn ở mức quá thấp, chỉ từ 2.000-2.500 đồng/kg khiến nhiều diêm dân ở Thanh Hóa phải bỏ hoang ruộng muối để đi tìm việc khác mưu sinh.
Trước đây, nhiều diêm dân sống tại huyện ven biển Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã thoát nghèo nhờ làm muối.
Thế nhưng 5 năm gần đây, giá muối trên thị trường luôn ở mức quá thấp, chỉ từ 2.000 - 2.500 đồng/kg khiến nhiều diêm dân phải bỏ hoang ruộng muối để đi tìm việc khác mưu sinh.
Hiện chỉ còn những lao động lớn tuổi không có việc làm nên vẫn gắn bó với nghề muối.
Xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc là địa phương có nhiều hộ dân làm muối, do giá muối xuống thấp nên những năm qua đã có nhiều diêm dân bỏ nghề, những hộ dân này đã đi làm các doanh nghiệp cho thu nhập cao hơn.
Một số lao động đã được quy hoạch, chuyển sang nghề nuôi trồng thủy sản nên có thu nhập ổn định và bỏ hoang đồng muối.
Tại cánh đồng muối thôn Tam Hòa, xã Hòa Lộc, nhiều nhà chứa muối bỏ hoang, ruộng muối bị xuống cấp, cỏ mọc um tùm, cống nước hư hỏng do bị bỏ hoang quá lâu. Nhiều người dân khu vực này không còn mặn mà với nghề làm muối do thu nhập quá thấp.
Số lao động đang còn độ tuổi đã xin vào làm công nhân tại các doanh nghiệp, còn người già vẫn đang loay hoay tìm việc làm mới.
Ông Lê Văn Kiên, thôn Tam Hòa cho biết giá bán muối không đảm bảo cuộc sống nên gia đình đã bỏ nghề 2 năm nay. Hiện ruộng muối của ông Kiên và nhiều hộ khác trong thôn đang bỏ hoang, gây lãng phí.
Ông Kiên mong có giải pháp quy hoạch, chuyển đổi diện tích đất làm muối này sang thực hiện các mô hình kinh tế mới có hiệu quả cao hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Huân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hòa Lộc, nghề muối của xã đang gặp khó khăn, nhiều lao động đã bỏ nghề đi làm việc khác. Giá muối ngày càng thấp nên người dân không kiếm đủ thu nhập để mưu sinh, nhiều người bỏ ruộng muối.
Hiện đã có nhiều diêm dân chuyển sang nuôi trồng thủy sản công nghệ cao vì hiệu quả kinh tế tốt hơn. Theo anh Lê Văn Trường, thôn Tam Hòa, từ khi chuyển sang nuôi trồng thủy sản, cụ thể là con tôm thẻ chân trắng và áp dụng khoa học mới trong sản xuất nên từ năm 2020 tới nay, gia đình thu hoạch tôm một năm 3 vụ. Mỗi vụ thu nhập 500 triệu đồng, tổng thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so làm muối.
Trên địa bàn huyện Hậu Lộc có 2 xã còn sản xuất muối là Hòa Lộc và Hải Lộc với tổng diện tích 112ha cùng hơn 7.000 hộ tham gia sản xuất.
Hiện diện tích muối đang giảm theo từng năm và theo quy hoạch đến hết năm 2030 thì địa phương này sẽ không còn nghề muối.
Bà Ngọ Thị Lanh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hậu Lộc cho biết năm 2023, tổng sản lượng muối sản xuất là 9.200 tấn với giá tiêu thụ trung bình 2.500 đồng/kg, Ủy ban Nhân dân Huyện đã chuyển đổi thành công 8ha đất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao thâm canh đạt hiệu quả cao.
Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân huyện sẽ kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực để chuyển đất muối sang đất phi nông nghiệp để sản xuất, kinh doanh có hiệu quả hơn.
Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Thanh Hóa, việc sản xuất, tiêu thụ muối do Hợp tác xã Hòa Lộc, Hợp tác xã Hải Lộc và 4 doanh nghiệp thu mua muối cho diêm dân với giá 2.200-2.500 đồng/kg.
Tại thị xã Nghi Sơn, tổng diện tích đồng muối chỉ còn 51ha, tuy nhiên địa phương này không còn diêm dân làm nghề muối, do chuyển đổi nghề và ảnh hưởng bởi các công trình, dự án thuộc địa phận Khu kinh tế Nghi Sơn.
Còn đối với huyện Hậu Lộc, do thu nhập thấp nên nhiều lao động đã bỏ nghề đi làm may mặc tại các công ty trên địa bàn dẫn đến nhiều đồng muối bỏ hoang.
Ông Hoàng Việt, Trưởng phòng Chế chiến và Thương mại nông sản, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản Thanh Hóa khẳng định ngành nông nghiệp đã có giải pháp hỗ trợ diêm dân sản xuất trên diện tích đất chưa chuyển đổi, cụ thể như xúc tiến, quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm đối với doanh nghiệp, đảm bảo muối chế biến ở mức chất lượng cao.
Thời gian tới, đối với các diện tích còn lại đang được sử dụng làm muối, Chi cục sẽ phối hợp với các địa phương có lao động làm nghề muối để lồng ghép cơ chế, chính sách hỗ trợ diêm dân; hỗ trợ kinh phí hỗ trợ hợp tác xã củng cố đê bao, kênh mương, đáp ứng nhu cầu sản xuất muối, tạo điều kiện, tìm kiếm các doanh nghiệp thu mua muối cho diêm dân; áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, hỗ trợ diêm dân cải thiện cơ sở hạ tầng./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Quảng Ninh: Thúc đẩy trồng trọt vụ Đông để khắc phục thiệt hại do bão số 3
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu
Doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm 2025
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan
Bất động sản phía Nam chuyển biến tích cực dịp cuối năm
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng