Thách thức với tôm Việt trên đường phục hồi

26/01/2024 12:46

Đà phục hồi cho xuất khẩu tôm Việt Nam đang đối diện nhiều khó khăn ngay từ đầu năm 2024. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), để xuất khẩu tôm năm 2024 đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2023 đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành hàng tôm Việt cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục vượt khó trên chặng đường phục hồi.

Chú thích ảnh

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang (Hậu Giang). Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Với thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm Việt Nam là Mỹ, từ tháng 7/2023 thị trường này này liên tục tăng trưởng 2 con số. Điều đó đã giúp cả năm 2023, xuất khẩu tôm sang Mỹ rút đà giảm còn 15% so với năm 2022 và đạt 682 triệu USD.

Cùng với đó, số liệu nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 11/2023 cũng ghi nhận tháng thứ 5 tăng trưởng liên tiếp. Tồn kho giảm, các chỉ số của nền kinh tế Mỹ đang tốt dần, nhu cầu cao hơn phục vụ đợt cuối năm. Lạm phát tại Mỹ đã giảm khá mạnh trong năm 2023.

Trước tình hình trên, VASEP nhận định: xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng nhẹ trong năm 2024 khi nhu cầu ăn uống cải thiện, lạm phát hạ nhiệt, doanh số bán lẻ tại Mỹ phục hồi.

Tuy nhiên, thị trường này cũng còn tiềm ẩn nhiều khó khăn khi mới đây Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ nộp đơn đề nghị điều tra thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu; trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, căng thẳng Biển Đỏ đầu năm 2024, khiến giá cước vận tải biển đi Mỹ tăng cũng là một chướng ngại cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ thời gian này.

Trong các thị trường lớn nhập khẩu tôm Việt Nam giảm mạnh nhất là EU với mức giảm 39% trong năm 2023 và đạt 421 triệu USD. Các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường EU gồm Ecuador và Ấn Độ. Trên thị trường này, tôm Việt Nam vẫn giữ được ưu thế ở phân khúc cao cấp.

Sức cạnh tranh của tôm các đối thủ cũng đang mạnh dần lên. Nhưng điều ngành thủy sản lo lắng là vẫn còn những bất ổn về kinh tế và chính trị nên thị trường EU sẽ chưa thể phục hồi trong phần lớn năm 2024. Dự kiến nhu cầu sẽ giữ ở mức ổn định.

Đến tận tháng cuối cùng của năm 2023, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật Bản mới ghi nhận tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu tôm năm vừa qua sang thị trường này đạt 511 triệu USD, giảm 24% so với năm 2022.

Nhưng theo VASEP, thị trường này được đánh giá còn nhiều tiềm năng và sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU trong năm 2024. Bởi, tại Mỹ và EU tôm sơ chế đơn giản từ Ấn Độ, Ecuador với giá rẻ đang có lợi thế hơn so với Việt Nam.
   

 

Người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, phù hợp với trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam. Các sản phẩm tôm phổ biến từ Việt Nam xuất sang Nhật Bản như tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sushi… Tôm Việt Nam vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt trên thị trường này. Ngoài ra, thị trường Nhật Bản có vị trí địa lý gần hơn so với Mỹ, EU và phương thức thanh toán cũng an toàn hơn.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc nằm trong xu hướng giảm chung, tuy nhiên thị trường này có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính. Năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 607 triệu USD, giảm 8% so với năm 2022.

Theo VASEP, nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhưng do có quá nhiều nguồn cung vào thị trường này nên tôm Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá.

Căng thẳng Biển Đỏ khiến giá cước vận tải biển tăng. Mỹ đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp với tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam. Đứng trước nhiều khó khăn trên, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT FIMEX Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp tôm càng cần có sự phối hợp thật tốt, nhằm vượt qua khó khăn mới này.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới