Tây Nguyên tăng diện tích cây trồng xen trong vườn cà phê
03/05/2022 12:47
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các tỉnh Tây Nguyên những năm qua, việc trồng xen cây công nghiệp và cây ăn quả trong vườn cà phê đã mang lại thu nhập ổn định và bền vững hơn, đặc biệt hiệu quả kinh tế cao khi trồng xen sầu riêng, bơ và hồ tiêu.
Theo báo cáo của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng Tây Nguyên có 163.500 ha các loại cây trồng được trồng xen trong vườn cà phê, bằng 25,1% tổng diện tích cà phê.
Các tỉnh có diện tích trồng xen lớn là Đắk Lắk có 81.400 ha, bằng 38,1% tổng diện tích cà phê của tỉnh; Đắk Nông có 51.200 ha, bằng 38%; Lâm Đồng có 23.000 ha, bằng 13,1%; Kon Tum có 5.900 ha, bằng 20,5%; Gia Lai có 1.600 ha, bằng 1,6%.
Các đối tượng trồng xen trong vườn cà phê như: cây ăn quả 58.500 ha; trong đó sầu riêng 28.500 ha, bơ 28.100 ha, hồng 1.400 ha, cây ăn quả khác 600 ha.
Trồng xen cây công nghiệp 62.700 ha, gồm: hồ tiêu 49.800 ha; điều 7.300 ha; mắc ca 5.000 ha; dâu tằm 600 ha; cây trồng khác 9.200 ha.
Theo Cục Trồng trọt, trồng xen cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm trên vườn cà phê như hồ tiêu, sầu riêng, bơ, điều... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo thêm việc làm, nâng cao và ổn định thu nhập cho người dân, hạn chế được những rủi do về giá cả và biến động của thị trường, góp phân ổn định diện tích ca phê. Ngoài ra, trồng xen còn có tác dụng làm cây che bóng, chắn gió cho cà phê, hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho cà phê, phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Một số mô hình cà phê trồng xen hiệu quả như tại tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum lợi nhuận từ trồng xen cà phê với cây sầu riêng đạt từ 200 - 350 triệu đồng/ha; cây bơ từ 100 - 150 triệu đồng/ha. Hay tại tỉnh Đắk Nông, lợi nhuận trồng xen với sầu riêng đạt 80 triệu đồng/ha, tăng 1,9 lần so cà phê trồng thuần; cây bơ và cây hồ tiêu đạt 60 triệu đồng/ha, tăng 1,4 lần so với cà phê trồng thuần.
Mặc dù Quy trình kỹ thuật trồng xen canh đã được ban hành, tuy nhiên quy trình cụ thể cho từng loại cây trồng như hồ tiêu, sầu riêng, bơ, điều,... mới bước đầu được áp dụng, do vậy một số kỹ thuật như: giống, mật độ trồng, bón phân, tưới nước, tạo hình cho cây trồng xen và cây cà phê chưa được tổng kết cụ thể để có điều chỉnh phù hợp.
Việc trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm trong cà phê thiếu sự gắn kết doanh nghiệp về đầu ra cho sản phẩm nhất là vùng sâu vùng xa, hiệu quả trồng xen chưa cao.
Thời điểm ra hoa, đậu quả của các loại cây trồng trên vườn có trồng xen là khác nhau nên gây khó khăn cho việc chăm sóc. Nếu người sản xuất chọn một cây trồng xen để ưu tiên đầu tư chăm sóc nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao theo giá trị tại thời điểm, có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, chất lượng cà phê.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Năng lượng mặt trời lần đầu vượt than đá trong cấp điện ở các nước EU
Biến dừa khô thành bonsai tiền triệu
Siết chặt quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới
Sáng 23/1, giá vàng trong nước tiếp đà tăng theo thế giới
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam
Ngân hàng tập trung hút khách trên nền tảng số
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Singapore tăng mạnh
Ngư dân được mùa biển những ngày giáp Tết
'Vương quốc hoa kiểng' nhộn nhịp ngày cận Tết
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Singapore tăng mạnh