Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam
23/01/2025 15:03
Nhu cầu thị trường nội địa mở rộng, tỷ lệ kinh doanh có lãi gia tăng là động lực lớn để các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong những năm tới.
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, nhiều doanh nghiệp tiếp tục kỳ vọng vào kết quả kinh doanh năm 2025 khả quan. Cụ thể, khoảng 50,4% số doanh nghiệp được khảo sát dự báo lợi nhuận tăng lên và 9,2% doanh nghiệp dự báo lợi nhuận xấu đi. Có 56,1% doanh nghiệp có mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, tỷ lệ này đứng đầu khu vực ASEAN.
Các doanh nghiệp cho biết, động lực để họ đưa ra quyết định trên là do mức độ gia tăng xuất khẩu và nhu cầu tại thị trường nội địa ngày càng mở rộng. Bên cạnh đó, các tiêu chí về lợi thế tiềm năng tăng trưởng, chi phí nhân công phù hợp, tình hình chính trị- xã hội ổn định của Việt Nam đều vượt trên mức trung bình của ASEAN.
Bên cạnh những doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam, xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Nhật Bản, Trung Quốc sang Việt Nam cũng gia tăng rõ rệt.
Khảo sát từ năm 2019 đến nay, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản có mong muốn mở rộng cung ứng nội địa ở khu vực ASEAN, trong đó, Việt Nam là điểm đến chủ yếu. Cụ thể, trong tổng số 176 trường hợp dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang ASEAN, có 90 trường hợp chuyển sang Việt Nam. Nguyên nhân chính là do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục kéo dài khiến việc sản xuất tại Trung Quốc gặp nhiều rủi ro.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản đang ngày càng phát triển, đã trở thành quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Các doanh nghiệp luôn có sự tin cậy, hợp tác ngày cùng phát triển, thể hiện qua các con số đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam. Hiện Nhật Bản là nhà đầu tư đứng thứ 3/147 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Mặt khác, nhu cầu mở rộng thu mua nội địa của các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng tăng, tuy nhiên nhiều năm qua tỷ lệ cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện từ các doanh nghiệp Việt Nam vẫn trì trệ. Nguyên nhân là nhà cung ứng trong nước không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật cũng như thiếu đơn vị cung cấp nguyên liệu thô.
Theo ông Matsumoto Nobuyuki, để tận dụng tốt cơ hội từ xu hướng dịch chuyển đầu tư và sản xuất, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông qua đơn giản hoá thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách. Song song đó, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, cải tiến công nghệ sản xuất nhằm tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Năng lượng mặt trời lần đầu vượt than đá trong cấp điện ở các nước EU
Biến dừa khô thành bonsai tiền triệu
Siết chặt quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới
Sáng 23/1, giá vàng trong nước tiếp đà tăng theo thế giới
Ngân hàng tập trung hút khách trên nền tảng số
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Singapore tăng mạnh
Ngư dân được mùa biển những ngày giáp Tết
'Vương quốc hoa kiểng' nhộn nhịp ngày cận Tết
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Singapore tăng mạnh
Giá dầu giảm hơn 1% sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ