Tăng trưởng có xu hướng chậm lại, Đà Nẵng nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế
06/04/2024 10:40
Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn của Đà Nẵng vẫn đối mặt với khó khăn như sản xuất công nghiệp chưa hoàn toàn phục hồi, thị trường bất động sản trầm lắng; đầu tư và xây dựng chưa có nhiều điểm sáng.
Theo Cục Thống kê Thành phố Đà Nẵng, nhịp độ tăng trưởng kinh tế quý 1/2024 của thành phố có xu hướng chậm lại do một số ngành chiếm tỷ trọng lớn vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn như sản xuất công nghiệp chưa hoàn toàn phục hồi, thị trường bất động sản trầm lắng; lĩnh vực đầu tư và xây dựng chưa có nhiều điểm sáng...
Tuy nhiên, tiêu dùng trong dân ổn định, lĩnh vực du lịch tăng trưởng khá tích cực, đây chính là trụ đỡ chính giúp kinh tế của Đà Nẵng đứng vững trong quý 1.
Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý 1 ước đạt 99,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng nhẹ ở mức 20,14%, đây cũng là khu vực đóng góp chính cho tăng trưởng chung của thành phố; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng trưởng âm (-3,55%) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 3,06% so với cùng kỳ năm 2023.
Với kết quả trên, quý 1, thành phố Đà Nẵng là một trong 6 địa phương của cả nước có tốc độ tăng GRDP ở mức âm. Xét trong khối các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng và Quảng Nam là hai địa phương có quy mô GRDP (theo giá so sánh) đạt thấp hơn cùng kỳ.
Quy mô nền kinh tế quý 1 (giá hiện hành) ước đạt hơn 33.344 tỷ đồng, mở rộng 1.750 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong bối cảnh khó khăn chung của toàn nền kinh tế, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng quý 1 vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện khi đơn hàng liên tục suy giảm, sức cầu yếu, chi phí đầu vào tăng cao. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý 1 ước giảm 10,7% so với quý trước và tăng 0,5%so với quý cùng kỳ năm 2023.
Về thương mại và dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý 1 ước đạt 30.215 tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 19,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 68,9%.
Sự sôi động của hoạt động du lịch là kết quả quảng bá du lịch Đà Nẵng tới các nước trên thế giới và kích cầu nội địa trong thời gian qua. Đặc biệt là hiệu quả tác động rõ ràng của việc áp dụng chính sách thị thực từ 15/8/2023 nâng thời hạn tạm trú cho du khách quốc tế lên đến 90 ngày đến là tín hiệu tốt thu hút lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng tham quan trong những tháng đầu năm nay.
Theo Cục Thống kê Thành phố Đà Nẵng, tính đến ngày 15/3, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án có vốn trong nước với tổng vốn đăng ký mới là 1.228 tỷ đồng. Trong đó, có 1 dự án nằm ngoài khu công nghiệp với vốn đăng ký 1.168 tỷ đồng; 1 dự án nằm trong khu công nghiệp vốn đăng ký 60 tỷ đồng.
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến ngày 15/3, thành phố Đà Nẵng đã cấp mới 15 dự án cấp với vốn đăng ký cấp mới là 22,148 triệu USD.
Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội dự ước quý 1 đạt 6.201 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện khu vực nhà nước quý 1 tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng ổn định tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2023 với tổng vốn ước đạt 1.675 tỷ đồng. Vốn trung ương quản lý ước đạt 334 tỷ đồng; vốn địa phương quản lý ước đạt 1.341 tỷ đồng.
Một số giải pháp thúc đẩy nền kinh tế trong quý 2
Để lấy lại đà tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch COVID-19, thành phố cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung triển khai quyết liệt Chủ đề năm 2024 “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục khơi thông các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội."
Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn; thường xuyên tổ chức các sự kiện, lễ hội để thu hút du khách đến với địa phương; tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng và các sự kiện văn hóa-thể thao; tăng cường mở các đường bay quốc tế, thu hút tàu du lịch bằng đường biển...
Thành phố đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa; triển khai hiệu quả hoạt động triển lãm sản phẩm trực tuyến, áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kiểm soát giá cả thị trường và tăng cường công tác bảo vệ người tiêu dùng, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tích cực hỗ trợ các dự án đang triển khai, nhất là các dự án quy mô lớn, đi vào hoạt động đúng tiến độ, đồng thời hỗ trợ các dự án đang hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng vốn đầu tư, tạo ra các giá trị mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp thành phố.
Thành phố tiếp tục cải cách hành chính; tập trung mọi nguồn lực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đa dạng hóa đối tác và hình thức đầu tư; tiếp tục tập trung mời gọi và xúc tiến nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan
Bất động sản phía Nam chuyển biến tích cực dịp cuối năm
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp