Siết chặt kiểm soát thị trường dịp Tết Nguyên đán

22/01/2024 16:06

Tết Nguyên đán đến gần là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao khiến buôn lậu có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức tinh vi.

Chú thích ảnh

Đội quản lý thị trường huyện Bắc Hà (Lào Cai) tăng cường kiểm tra kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng thiệt yếu dịp cuối năm tại một siêu thị trên địa bàn thị trấn. Ảnh tư liệu: Quốc Khánh/TTXVN

Nhiều thương lái bất chấp pháp luật, tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào thị trường nội địa. Ngoài ra, không ít cơ sở sản xuất kinh doanh cũng đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Trước bối cảnh này, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát đẩy lùi hàng lậu, hàng kém chất lượng để người dân yên vui đón Tết.

Liên tục phát hiện

Đại diện Cục Quản lý thị trường Kiên Giang cho biết: Nằm trong cao điểm kiểm tra thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường Kiên Giang đã kiểm tra một số cơ sở kinh doanh tại khu vực đường Phan Thị Ràng, phường An Hòa, TP. Rạch Giá.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng phát hiện tang vật vi phạm là 2 tấn củ tỏi có xuất xứ Trung Quốc, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo, chủ lô hàng không có mặt. Do đó, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ hàng hóa nêu trên để tiếp tục xác minh. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 40 triệu đồng.

Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh vừa phát hiện và tạm giữ hơn 800kg thực phẩm nhập lậu gồm xúc xích và tràng lợn tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 1 phát hiện tại cơ sở đang bày bán lượng lớn hàng hoá thực phẩm có dấu hiệu nhập lậu gồm các mặt hàng xúc xích đóng gói và tràng lợn đóng hộp. Toàn bộ số hàng hoá trên bao bì ghi Made in China và chủ lô hàng không xuất trình được hoá đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan.

Còn tại địa bàn Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện kho chứa thực phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ rất lớn nằm sâu trong khu dân cư, trên địa bàn huyện Thường Tín. Kho thực phẩm này đang chứa ít nhất 5,5 tấn mỡ bò, 720kg óc lợn. Chủ lô hàng thừa nhận đang kinh doanh mặt hàng mỡ bò, óc lợn, sụn lợn. Tất cả hàng hóa được thu mua trôi nổi trên địa bàn, sau đó bán cho khách có nhu cầu ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, các đội quản lý thị trường đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm đối tượng kinh doanh, hoạt động có tổ chức trong việc tập kết, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại. Việc đấu tranh tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dự báo nhu cầu sử dụng tăng cao trong dịp lễ, Tết như thuốc lá, pháo nổ, thực phẩm, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... Địa bàn tập trung kiểm tra là các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, đầu mối giao thông, điểm tập kết hàng hóa, tuyến giao thông trọng điểm...

Đơn cử, lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện 153 thùng carton chứa 18.360 quả pháo hoa do nước ngoài sản xuất, có tổng khối lượng là 1,8 tấn tại khu vực đường Nguyễn Trác, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Đấu tranh khai thác bước đầu, lái xe cho biết được một người không rõ nhân thân, thuê chở 153 thùng hàng carton dán kín, từ gầm cầu vượt trên Quốc lộ 5, đoạn qua huyện Gia Lâm, Hà Nội, đến khu vực phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội, với tiền phí vận chuyển là 600.000 đồng.

Cùng thời điểm này, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh thông tin, Đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh) phối hợp với Công an phường 3, quận 4 đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại Công ty G.N.S.

Tại đây, Đoàn kiểm tra phát hiện công ty đang kinh doanh hàng hóa là nguyên liệu sản xuất bánh kẹo các loại; trong đó, có 200kg hạt mắc ca không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, trị giá tang vật vi phạm là 44 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm, lập hồ sơ chuyển về Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh xử lý theo thẩm quyền. Với hành vi này, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt Công ty G.N.S với số tiền 70 triệu đồng, buộc công ty thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là tiêu hủy toàn bộ 200kg mắc ca.

Cũng trong cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường Tết Nguyên đán, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc vừa bắt quả tang cơ sở sản xuất mứt giả trên địa bàn thị trấn Thổ Tang và phát hiện gần 1.000 hộp mứt Tết thành phẩm. Đáng lưu ý, trên nhãn hàng hóa ghi Cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo Hương Lập, địa chỉ ngõ 15, Hùng Vương - Tích Sơn Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc với đa dạng thành phần gồm mứt lạc, mứt bí, mứt táo, mứt cà rốt, mứt dừa...

Ngoài số lượng hàng hóa thành phẩm, tại cơ sở còn có 20 hộp mứt Tết đã đóng thành phẩm nhưng chưa dán nhãn hàng hóa; 104 gói bên trong có chứa mứt, kẹo đã đóng gói, không có nhãn hàng hóa, chưa đóng vào hộp mứt và 1.295 nhãn hàng hóa dùng để gắn vào hàng hóa thành phẩm. Chủ cơ sở không xuất trình được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của nguyên liệu, vật liệu mua vào và các giấy tờ có liên quan. Do đó, Đội Quản lý thị trường số 5 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa có dấu hiệu vi phạm và toàn bộ nguyên liệu, vật liệu dùng để đóng gói, chờ thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định.

Siết chặt quản lý

Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã bắt giữ và xử lý 146.678 vụ vi phạm liên quan tới hàng lậu, hàng giả, tăng 4,95% so với năm 2022; thu nộp ngân sách nhà nước gần 14.900 tỷ đồng...

Để ngăn chặn kịp thời hàng kém chất lượng luồn lách vào thị trường, ông Nguyễn Phương Đông, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cho biết: Lượng quản lý thị trường sẽ thường xuyên phối hợp với ngành chức năng tỉnh Bình Dương kiểm tra đột xuất những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Cụ thể gồm bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, lương thực thực phẩm, thuốc lá, quần áo, giày, dép, pháo, xăng dầu, khí; động vật và sản phẩm chế biến từ động vật; vật tư nông nghiệp...

Nhằm ngăn chặn hàng lậu trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, theo ông Chu Xuân Kiên, Cục Quản lý thị trường đã ban hành kế hoạch Kế hoạch số 21/KH-QLTTHN về việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trước, trong Tết. Đặc biệt, cần xác định đối tượng cầm đầu đường dây ổ nhóm buôn lậu quy mô lớn, đồng thời kiểm soát hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo... để kinh doanh hàng lậu, hàng giả.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh: Từ nay đến Tết Nguyên đán, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm với hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ xuất xứ, nhất là các mặt hàng trọng điểm. Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo lực lượng tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ, Tết hoặc dịch bệnh bùng phát với các mặt hàng thiết yếu, tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Cũng theo ông Trần Hữu Linh, lực lượng sẽ tổng kiểm tra tại các khu vực, kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, chợ đầu mối, tuyến đường bộ, đường sắt… nhất là địa bàn trọng điểm khu vực biên giới. Mặt khác, lực lượng sẽ phối hợp với lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các địa bàn tập trung đông dân cư, có sức tiêu thụ hàng hóa lớn nhằm đẩy lùi nạn buôn lậu, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới