Sản xuất công nghiệp TP. HCM dần lấy lại sức hút với nhà đầu tư
04/10/2023 10:00
Chỉ số sản xuất công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh 9 tháng tăng 3.2% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy ngành công nghiệp vượt qua giai đoạn suy giảm, có tín hiệu tích cực từ phía cung của nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 9 tháng năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 3,2% so với cùng kỳ và đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp IIP có mức tăng trưởng trên 2%.
Một số đơn vị xúc tiến thương mại, công nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đánh giá, sản xuất công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đang dần lấy lại sức hút đối với nhà đầu tư, nhà cung cấp và người mua hàng toàn cầu.
Trước đó, chỉ số IIP trong 7 tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 2,2% và 8 tháng tăng 2,6%. Điều này cho thấy sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đã vượt qua giai đoạn suy giảm, cũng như có tín hiệu tích cực từ phía cung của nền kinh tế.
Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cho thị trường nội địa vẫn duy trì giữa lúc doanh nghiệp xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn.
Góp phần mang lại kết quả tích cực cho sản xuất công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh phải kể đến chỉ số IIP của 4 ngành công nghiệp trọng điểm trong 9 tháng đã tăng 5,8% so với cùng kỳ. Còn nhóm ngành công nghiệp cấp II, có 22/30 ngành có chỉ số IIP 9 tháng tăng so với cùng kỳ.
Mặt khác, tính riêng chỉ số IIP tháng 9 tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,6% so với tháng trước và 9,5% so với cùng kỳ cho thấy xu hướng phục hồi tích cực của ngành công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.
Liên quan đến xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, kết quả khảo sát của sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh quý 3/2023 so với quý 2/2023 đã có chuyển biến theo xu hướng tốt.
Điển hình, có 31,8% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên; 35,4% giữ ổn định và 32,8% khó khăn hơn.
Trong số đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước có đánh giá lạc quan nhất với 89,7% doanh nghiệp cho rằng tốt lên và giữ ổn định. Còn tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài Nhà nước lần lượt là 65,3% và 65,2%.
Kết quả khảo sát của sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh, dự báo tình hình quý 4/2023 so với quý 3/2023, có 35,8% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn; 36,8% giữ ổn định và 27,3% khó khăn hơn; trong đó, có 76,9% doanh nghiệp nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình kinh doanh trong quý 4/2023, tỷ lệ này ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước là 73,3% và 70,3% tương ứng.
Thời gian gần đây, hàng loạt sự kiện hội chợ, triển lãm máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu phụ vụ sản xuất công nghiệp tại thành phố thu hút các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia và mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư.
Theo bà Bùi Hoàng Yến -, Phụ trách Tổ công tác phía Nam, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương, từ kết quả của chuỗi kết nối giao thương giữa Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc), Cục Ngoại thương Đài Loan (Trung Quốc) phối hợp cùng Chi nhánh Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty CRIF D&B Việt Nam-Đài Loan và Viện Nghiên cứu và Phát triển Thương Mại Đài Loan (CDRI) đã tổ chức Chương trình “2023 Wow! Taiwan Project -Health Tech Business Matchmaking Event” trong tháng 9/2023 vừa qua.
Chương trình này, không nằm ngoài mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ, thiết bị y tế phục vụ việc khám chữa bệnh từ xa mở rộng quan hệ và thúc đẩy phát triển hợp tác quốc tế.
Còn ông Fabio De Cillis, Giám đốc Thương vụ Italy tại Việt Nam cho biết, trong tháng 9/2023, cộng đồng doanh nghiệp nước này đã tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới tại chuỗi Triển lãm Quốc tế lần thứ 15 về Máy móc và Thiết bị Công nghiệp ngành Chế biến gỗ 2023 (VietnamWood 2023) và Triển lãm quốc tế về Thiết bị Nội thất, Ngũ kim và Công cụ ngành Công nghiệp Gỗ 2023 (Furnitec 2023) diễn ra ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Qua sự kiện này, Thương vụ Italy tại Việt Nam kỳ vọng hỗ trợ sản xuất công nghiệp Việt Nam hội nhập xu hướng công nghệ toàn cầu thông qua kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Để nắm bắt nắm bắt cơ hội khai thác hiệu quả thị trường Việt Nam, doanh nghiệp đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ còn chú trọng giới thiệu máy móc, thiết bị, công nghệ... trong đa dạng lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, Việt Nam cũng đang mạnh mẽ thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, nhà cung cấp đồng hành, tham gia vào quá trình thay đổi này của nền công nghiệp sản xuất Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bình Dương vượt chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2024
Cơ hội và thách thức cho thủy sản Việt Nam tại thị trường Mỹ
Quảng Ninh thu hút hơn 2 tỷ USD vốn FDI từ đầu năm, hướng tới mục tiêu 3 tỷ USD
Nhu cầu bất động sản phục vụ thương mại điện tử, logistics tăng cao
Xuất khẩu bưởi Hòa Bình sang thị trường EU
Giá xăng dầu bật tăng, mặt hàng RON95-III lên ngưỡng 20.857 đồng mỗi lít
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Vùng ngọt hóa Gò Công bội thu rau màu Thu Đông
Tạo cơ chế chủ động thu hút đầu tư vùng Đông Nam Bộ
Quảng Ninh: Thúc đẩy trồng trọt vụ Đông để khắc phục thiệt hại do bão số 3