Cơ hội và thách thức cho thủy sản Việt Nam tại thị trường Mỹ
30/11/2024 10:35
Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, các chuyên gia nhận định, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm thủy sản sẽ có những cơ hội và thách thức mới.
Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 tỷ USD đến 2,1 tỷ USD mỗi năm. Do đó, những biến động kinh tế, chính trị tại thị trường Mỹ luôn tác động nhất định đến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.
Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, các chuyên gia nhận định, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm thủy sản sẽ có những cơ hội và thách thức mới.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam phân tích: trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục kéo dài, chuỗi cung ứng và nhập khẩu hàng hóa của Mỹ sẽ tiếp tục dịch chuyển. Cụ thể, Mỹ có xu hướng đánh thuế cao để giảm lượng nhập khẩuđối với các sản phẩm từ Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm các nguồn cung thay thế.
Nhu cầu tiêu dùng thuỷ sản của thị trường Mỹ là rất lớn, trong khi những năm qua, chất lượng thủy sản Việt Nam ngày càng được cải thiện, giúp duy trì và mở rộng vị thế tại thị trường này. Đặc biệt, tôm và cá tra là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã tạo được vị thế nhất định trên thị trường thế giới chung, Mỹ nói riêng. Vì vậy, Việt Nam sẽ là một trong những nguồn cung thủy sản thay thế được các nhà nhập khẩu Mỹ ưu tiên, mở ra cơ hội gia tăng thị phần.
Tuy nhiên, theo bà Lê Hằng, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Dù kết quả thuế chống bán phá giá đối với tôm, cá tra và thuế chống trợ cấp với tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có xu hướng thuận lợi hơn trong năm 2024, các doanh nghiệp vẫn cần thận trọng và có chiến lược khi xuất khẩu sang thị trường này.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ và hàng rào thuế quan của Mỹ cũng có thể khiến cạnh tranh giữa Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Ecuador, hay Indonesia, những đối thủ lớn trong ngành thủy sản ngày càng khốc liệt hơn. Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong bối cảnh thay đổi chính sách thương mại quốc tế, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần chủ động và linh hoạt trong việc thích ứng với các yếu tố biến động của thị trường.
Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải tuân thủ đầy đủ các quy định của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), bao gồm các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần đảm bảo các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta phân tích: Trong vài năm trở lại đây Việt Nam đứng thứ 4 trong số những nhà cung cấp tôm cho thị trường Mỹ với thị phần ổn định khoảng 8%; đứng sau Ấn Độ có thị phần 31%, Ecuador 26% và Indonesia 17%. Tuy nhiên, với việc chịu mức thuế nhập khẩu 2,49% và thuế chống trợ cấp 5,77% tôm Ấn Độ có thể sẽ bị tôm Ecuador vượt lên nắm giữ thị phần lớn nhất tại Mỹ trong thời gian tới. Trong khi đó tôm Indonesia chịu thuế chống trợ cấp là 3,9%, còn tôm Việt Nam chịu mức thuế 2,84% sẽ cạnh tranh trực tiếp với nhau không chỉ tại thị trường Mỹ mà cả các thị trường khác.
Theo ông Hồ Quốc Lực, bất lợi lớn nhất của tôm Việt Nam là giá thành cao, hầu như không thể cạnh tranh về giá so với tôm của Ấn Độ, Ecuador. Nếu thời gian tới, tôm Việt Nam tiếp tục không phải chịu thuế nhập khẩu thì thị phần tại Mỹ sẽ được giữ vững.
Trong trường hợp Mỹ áp dụng thuế nhập khẩu mức 3-5% tôm Việt Nam sẽ gặp trở ngại rất lớn để giữ vị thế và thị phần. Vì không thể cạnh tranh về giá nên các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam phải tập trung vào các sản phẩm không bị đánh thuế, các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao mới có thể bám trụ được tại thị trường Mỹ.
Bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm thông tin, trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu tôm sang Mỹ mang về 646 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Mỹ là thị trường đơn lẻ nhập khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang Mỹ dưới thời Thống thống Donald Trump sẽ có cả cơ hội và thách thức, phụ thuộc vào mức thuế hàng hóa mà chính quyền ông Trump sẽ áp dụng.
Trước đó, ông Trump đã đề xuất mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Mỹ; riêng hàng hóa từ Trung Quốc bị áp thuế 60%. Ngoài vấn đề giá cả, khách hàng và người tiêu dùng Mỹ ngày càng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Do đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nên áp dụng các phương pháp nuôi trồng bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, ASC, MSC), minh bạch thông tin về quá trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu để xây dựng lòng tin với người tiêu dùng và đối tác ở Mỹ. Song song đó, cần nâng cao năng lực cạnh tranh và có các kế hoạch ứng phó nhanh chóng với các thay đổi về chính sách thuế quan và biện pháp phòng vệthương mại của thị trường.
Với mặt hàng cá tra, theo kết luận POR 20 sơ bộ được công bố vào tháng 9/2024 , cả 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc và 6 doanh nghiệp còn lại của Việt Nam đều nhận mức thuế chống bán phá giá là 0,00USD/kg. Kết quả sơ bộ này là dấu hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định, với tôn chỉ ủng hộ sản xuất trong nước, Mỹ có khả năng tăng thuế với tất cả các mặt hàng nhập khẩu, từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam so với hàng nội địa Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ có xu hướng đánh thuế cao hơn gấp nhiều lần đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, điều này tạo ra khoảng trống, cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và chiếm lĩnh thị phần.
Vasep dự báo năm 2025, thị trường thuỷ sản có thể đối mặt với những thách thức mới, đặc biệt là từ chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhập khẩu dồn dập trong các tháng cuối năm 2024, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những rủi ro như tăng cước vận tải, thiếu nguyên liệu cục bộ. Song song thị trường Mỹ, các doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam cần khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) để tiếp tục mở rộng thị trường, khẳng định vị thế./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Bình Dương vượt chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước năm 2024
Quảng Ninh thu hút hơn 2 tỷ USD vốn FDI từ đầu năm, hướng tới mục tiêu 3 tỷ USD
Nhu cầu bất động sản phục vụ thương mại điện tử, logistics tăng cao
Xuất khẩu bưởi Hòa Bình sang thị trường EU
Giá xăng dầu bật tăng, mặt hàng RON95-III lên ngưỡng 20.857 đồng mỗi lít
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
Vùng ngọt hóa Gò Công bội thu rau màu Thu Đông
Tạo cơ chế chủ động thu hút đầu tư vùng Đông Nam Bộ
Quảng Ninh: Thúc đẩy trồng trọt vụ Đông để khắc phục thiệt hại do bão số 3
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu