Rau quả Việt Nam dần được khơi thông, mở cửa được các thị trường khó tính

14/03/2024 16:44

Dư địa cho xuất khẩu rau, quả Việt Nam còn rất lớn do nhu cầu của các thị trường tiếp tục tăng trong khi giá trị xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới.

Dây chuyền đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Dây chuyền đóng gói bưởi da xanh xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

 

Thị trường châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, và Trung Đông còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu rau, quả Việt Nam.

Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt cần chủ động tìm hiểu nhu cầu, tiêu chuẩn của các thị trường và đảm bảo nguồn cung chất lượng.

Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại Diễn đàn xuất khẩu rau, quả do Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 13/3.

Bà Lê Thị Mai Anh, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương, cho biết Việt Nam có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung.

Riêng trái cây Việt Nam có chủng loại phong phú, chất lượng cao; đáp ứng được các yêu cầu, thị hiếu khác nhau của người tiêu dùng trên thế giới.

Trái cây Việt Nam đã được xuất khẩu đi hơn 60 quốc gia; trong đó, có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…

Đặc biệt, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả của Việt Nam ghi nhận mức cao kỷ lục mới 5,6 tỷ USD, tăng 66,7% so với năm 2022; trong đó, xuất khẩu sầu riêng có bước đột phá, thu về 2,2 tỷ USD.

ttxvn_1303_xuat khau sau rieng.jpg

Vận chuyển sầu riêng xuất khẩu đi Trung Quốc. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

 

Rau quả Việt Nam dần được khơi thông, mở cửa được các thị trường khó tính, khắt khe về chất lượng như Mỹ mở cửa cho bưởi, dừa; New Zealand mở cửa cho chanh, bưởi; Nhật Bản nhập khẩu thanh long, xoài, vải, nhãn; EU nhập khẩu chuối, sầu riêng, dừa, nhãn, rau gia vị; Trung Quốc mở cửa nhập khẩu sầu riêng chính ngạch…

Theo bà Mai Anh, dự báo xuất khẩu rau, quả năm 2024 sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số so với năm 2023, kim ngạch dự kiến sẽ đạt khoảng 6,5-7 tỷ USD nếu tận dụng tốt thời cơ.

Con số trên được đưa ra dựa trên cơ sở sản lượng các loại trái cây đã thâm nhập được vào các thị trường lớn sẽ tiếp tục gia tăng.

Dư địa mở rộng còn rất lớn do nhu cầu rau, quả của các thị trường tiếp tục tăng trong khi giá trị xuất khẩu của Việt Nam mới chiếm khoảng 2-3% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả thế giới.

Với khu vực ASEAN, Việt Nam có lợi thế vị trí địa lý thuận lợi, thời gian vận chuyển nhanh, giảm tối đa nguy cơ rủi ro ảnh hưởng tới chất lượng rau quả. Đây cũng là thị trường rộng lớn, tự do, nhiều ưu đãi với thuế nhập khẩu chỉ 0 -5%; đồng thời, yêu cầu không quá khắt khe.

“Tuy nhiên, ASEAN là nơi có áp lực ạnh tranh gay gắt bởi cơ cấu sản phẩm nông nghiệp khá tương đồng và cũng có nhiều rào cản thương mại, nếu chỉ tập trung vào việc xuất khẩu hoa quả tươi, sẽ có nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung vào chất lượng, giá cả và mẫu mã để tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị phần. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần ưu tiên phát triển các sản phẩm chế biến từ rau củ và xây dựng thương hiệu, mẫu mã bắt mắt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng,” bà Mai Anh nêu đề xuất.

Trong năm 2024, với góc nhìn lạc quan hiện nay, ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD.

Ông Trương Xuân Trung, Trưởng cơ quan thương vụ Việt Nam tại UAE, chia sẻ UAE là quốc gia nhỏ, có dân số ít nhưng thu nhập bình quân đầu người thuộc top cao thế giới.

Do điều kiện tự nhiên đặc thù, UAE chủ yếu phát triển công nghiệp và dịch vụ, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào lương thực, thực phẩm nhập khẩu.

Ngoài phục vụ người dân trong nước, UAE còn là địa điểm trung chuyển, tái xuất khẩu hàng hoá đi các thị trường khác. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, nông sản Việt Nam có thể tận dụng thị trường này để tiếp cận các khu vực tiêu thụ rộng lớn hơn.

Theo ông Trương Xuân Trung, UAE là thị trường mở, hầu như không có rào cản thương mại, nhưng đây là một thị trường có tính cạnh tranh rất gay gắt.

Người mua hàng ở UAE thường xuyên cập nhật giá cả và luôn muốn tối đa hoá lợi nhuận, do đó, họ ưu tiên nhập khẩu từ người bán chào giá thấp hơn.

UAE nói riêng và khu vực Trung Đông tập trung người theo đạo Hồi. Vì vậy, các sản phẩm thực phẩm và đồ uống khi xuất khẩu vào khu vực này bắt buộc phải có giấy chứng nhận Halal.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng cần tìm hiểu về văn hóa, tập quán kinh doanh của người Hồi giáo.

Đặc biệt cần đàm phán và áp dụng điều khoản thanh toán an toàn nhất khi giao dịch với các doanh nghiệp UAE để tránh các rủi ro trong giao thương quốc tế.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng cho rằng Việt Nam đang có nhiều lợi thế thúc đẩy xuất khẩu rau, hoa, quả.

Ngoài năng lực sản xuất, Việt Nam còn có hàng chục hiệp định thương mại tự do, tạo điều kiện để đàm phán mở cửa cho các sản phẩm rau, quả vào nhiều thị trường khác nhau.

"Để khai thác hiệu quả dư địa thị trường, các ngành hàng cần có phương án tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành tốt với từng loại rau quả phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Tiêu chuẩn hóa quy trình trồng trọt đảm bảo giám sát các mối nguy mất an toàn thực phẩm từ trồng-chăm sóc-thu hoạch-sơ chế. Song song đó, phải xây dựng chuỗi liên kết, tổ chức sản xuất gắn thương mại và chế biến - tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm rau quả," ông Lê Thanh Hòa khuyến nghị./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới