Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 3 tỷ USD mỗi năm vào ngành chế biến, chế tạo

29/05/2024 13:38

Giai đoạn 2026-2030, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu mỗi năm thu hút 3 tỷ USD vào ngành chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho từ 30.000 lao động, tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 20% trở lên.

Quy trình sản xuất đông lạnh tôm theo quy chuẩn xuất khẩu nước ngoài. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Quy trình sản xuất đông lạnh tôm theo quy chuẩn xuất khẩu nước ngoài. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

 

Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 2 tỷ USD/năm vào lĩnh vực chế biến, chế tạo, tạo việc làm mới cho trên 20.000 lao động trở lên; giai đoạn 2026-2030, phấn đấu mỗi năm thu hút 3 tỷ USD, giải quyết việc làm cho từ 30.000 lao động trở lên.

Tỷ trọng đóng góp cho GRDP hằng năm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến năm 2025 khoảng 20%; tốc độ tăng trưởng của ngành hằng năm đạt 20% trở lên.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ninh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông động lực kết nối các khu kinh tế trọng điểm trên địa bàn với các trung tâm kinh tế của miền Bắc, như Cầu Bến Rừng; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long-Hải Phòng đến thị xã Đông Triều.

Cùng với những dự án đã hoàn thành, các dự án mới đang triển khai góp phần đưa ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt việc hoàn thành và đưa một số dự án có quy mô đầu tư lớn, mang tính dẫn dắt sự phát triển của cả lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đi vào hoạt động tạo nền tảng quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục thu hút các dự án đầu tư lĩnh vực này, từng bước hình thành chuỗi sản xuất đồng bộ, hiện đại, đủ khả năng cạnh tranh quốc tế, nâng cao vị thế của kinh tế Quảng Ninh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh,” tái cơ cấu nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc đối với các ngành khai thác tài nguyên; phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Qua đó tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đề ra.

Năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng trên 19%, đóng góp 2,37 điểm % vào tăng trưởng GRDP của cả tỉnh; quý 1/2024 ước tăng 25,95%, đóng góp 3,16 điểm % tăng trưởng GRDP.

2805chebienQuangninh.jpg

Sản xuất tại Công ty Jinko Solar Việt Nam (Khu Công nghiệp Sông Khoai,, thị xã Quảng Yên). (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Quảng Ninh)

 

Dự kiến hết quý 2/2024, công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh ước tăng trưởng gần 30%; một số loại sản phẩm dự kiến có khối lượng đơn hàng sẽ gia tăng trong quý 3, và quý 4.

Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Ninh, đến giữa tháng 5, nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo mang tính chủ lực trong thống kê tính chỉ số tăng trưởng kinh tế GRDP đều đã và đang vượt sản lượng so với đăng ký đầu năm với tỉnh, mức tăng trưởng trong quý 1/2024 đạt 25,95%.

Điển hình như sản lượng sản phẩm vải dệt kim; màn hình ti vi; tấm quang năng; loa tai nghe. Trong số đó, một số loại sản phẩm tăng 200% là tấm silic, tấm quang năng.

Ban Quản lý Khu Kinh tế Quảng Ninh đã họp bàn với các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp để đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn hơi nước để nâng công suất và mở rộng sản xuất; hỗ trợ đồng hành trong tuyển dụng lao động; điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nguồn cấp điện phục vụ sản xuất; ký túc xá cho chuyên gia, người lao động...

Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh và các doanh nghiệp đã thống nhất sản lượng phấn đấu đạt và vượt trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2024 đối với từng loại sản phẩm.

Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh đề nghị tỉnh xem xét nâng tỷ trọng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong kịch bản tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh năm 2024.

Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh chọn chủ đề “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh;” trong đó đề ra mục tiêu cụ thể đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) hơn 10%, duy trì liên tục một thập kỷ đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Quảng Ninh chú trọng hoàn thiện hạ tầng kinh tế số gắn với việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp; giải quyết nút thắt về nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số để đáp ứng cho yêu cầu phát triển.

TTXVN_2002QuangninhFDI.jpg

Trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án FDI của Nhật Bản. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030.

Quảng Ninh tập trung thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu toàn cầu, có năng lực tài chính lớn, có khả năng đầu tư ổn định, lâu dài, có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, nhất là những khu công nghiệp có hạ tầng đồng bộ như Đông Mai, Sông Khoai, Bắc Tiền Phong (thị xã Quảng Yên), Việt Hưng (thành phố Hạ Long), Hải Hà (huyện Hải Hà).

Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có gần 200 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ 20 quốc gia, với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD.

Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút được khoảng 3 tỷ USD từ nguồn vốn đầu tư FDI.

Dự kiến hết quý 2, Quảng Ninh sẽ thu hút được gần 30 dự án với tổng số vốn FDI đầu tư vào tỉnh đạt 1,4 tỷ USD, gần bằng 50% kế hoạch năm.

Đến nay, nhiều dự án đã được triển khai như: dự án tấm silic đơn tinh thể và thanh silic đơn tinh thể quang điện Gokin Solar Hải Hà Việt Nam, tại Khu công nghiệp Texhong Hải Hà (huyện Hải Hà); dự án sản xuất vòng bi, thiết bị chuyển động tuyến tính tại Khu công nghiệp Sông Khoai Amata (thị xã Quảng Yên)…

Các dự án FDI năm nay đều là những dự án thế hệ mới, ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường đến từ các nhà đầu tư: Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Tường Huy khẳng định Quảng Ninh luôn sẵn sàng chào đón và cam kết đồng hành thực chất, tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp bền vững, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị; mang đến niềm tin, sự hài lòng, cơ hội thành công cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế./.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới