Nông dân trồng điều sẽ có thêm nguồn lợi lớn từ tín chỉ carbon
13/04/2024 16:08
Hiện Việt Nam có khoảng 320 nghìn hecta trồng điều, với tiềm năng khổng lồ từ tín chỉ carbon sẽ giúp nông dân trồng điều có thêm nguồn lợi lớn.
Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trung, chuyên gia lĩnh vực giảm phát thải Carbon, Giám đốc phát triển Dự án giảm phát thải trong nông nghiệp (AgriCarbon), tại buổi lễ ra mắt Dự án hạt điều xanh vào ngày 12/4 tại TP Hồ Chí Minh. Dự án do CTCP Doanh nghiệp xã hội Green Journey cùng Tập đoàn Gia Bảo đồng sáng lập, với mục tiêu đưa ra các giải pháp để hỗ trợ ngành điều phát triển bền vững theo xu hướng xanh.
Ông Nguyễn Tuấn Khởi, Chủ tịch Green Journey chia sẻ: “Chúng tôi đặt mục tiêu hạt điều xanh sẽ là dự án tập trung kết nối nguồn lực, công nghệ và các giải pháp sáng tạo để mang đến những thay đổi tích cực, đồng thời là một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển xanh trong nông nghiệp”.
Theo đó, dự án sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của các sản phẩm từ hạt điều, đồng thời bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững cho nguồn tài nguyên xoay quanh cây điều; phát huy đầy đủ hiệu quả mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất - thu mua - chế biến và tiêu thụ. Dự án không chỉ tập trung vào cây điều mà còn hướng đến việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái sinh kế dưới tán điều cho cộng đồng, đặc biệt là bà con người dân tộc có mối liên kết sâu đậm với cây điều, loại cây được xem là "cây xóa đói giảm nghèo".
Bên cạnh đó, bằng cách đẩy mạnh các hoạt động xanh hóa trong phát triển và chế biến điều, dự án cũng hướng dẫn nông dân về các kiến thức cơ bản trong việc thực hành giảm phát thải và tận dụng lợi ích từ tín chỉ carbon mà họ có thể nhận từ cây điều.
Theo ông Nguyễn Quốc Trung, việc phát triển bền vững kinh tế, môi trường và xã hội cần thực hiện các chiến lược giảm phát thải và tăng cường khả năng lưu trữ carbon, đặc biệt là thông qua rừng và cây trồng. Theo đó, với tiềm năng khổng lồ từ tín chỉ carbon sẽ giúp nông dân trồng điều có thêm nguồn lợi lớn.
“Trước mắt, dự án sẽ tập trung hỗ trợ nông dân trồng điều nâng cao năng lực trong sản xuất, kinh doanh gắn liền với giảm phát thải carbon. Phối hợp với các bên tiến hành đánh giá, đo lường tín chỉ carbon từ cây điều", ông Nguyễn Quốc Trung chia sẻ.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Việt Nam đang chiếm gần 80% lượng điều nhân xuất khẩu trên thế giới và chiếm 60% sản lượng điều thô toàn cầu. Mặc dù là nước xuất khẩu điều lớn nhất thế giới nhưng ngành điều Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, đến từ các vấn đề như thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên tham gia chuỗi, sản phẩm không đa dạng, đa phần xuất khẩu thô. Phần lợi từ chế biến thô chỉ chiếm 18% chuỗi giá trị của hạt điều và lợi nhuận lớn nhất vẫn nằm ở khâu chế biến và phân phối với tổng giá trị gần 60%.
Ông Trần Văn Sơn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Bảo kỳ vọng: "Dự án sẽ đẩy mạnh vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm chế biến sâu phù hợp với thị trường nội địa cũng như xuất khẩu để nâng cao giá trị hạt điều Việt Nam, đồng thời tái canh, mở rộng và liên kết vùng trồng, nâng cao kỹ thuật canh tác và giống, từ đó nâng cao năng suất và giúp nông dân trồng điều làm giàu trên mảnh đất của mình”.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
GDP quý III/2024 tăng 7,40%
Tăng trưởng trong ngành công nghiệp đạt gần 9,6% trong quý 3
CPI tháng 9/2024 tăng 0,29% do giá lương thực, thực phẩm tăng cao sau bão lũ
Tổng sản phẩm trong nước quý 3 tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước
9 tháng, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 25 tỷ USD
Bình Dương: Sản xuất kinh doanh năm 2024 dự kiến tăng từ 15-20%
Chỉ số sản xuất công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tăng gần 7%
Minh bạch cung ứng nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày
Xuất khẩu gạo của Việt Nam 9 tháng tăng 23,5%
Xu hướng tăng lãi suất huy động dần giảm nhiệt