Nông dân Đắk Lắk phấn khởi vì giá càphê và hồ tiêu tiếp tục tăng

07/04/2024 16:34

Giá hồ tiêu và càphê tăng cao đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân Đắk Lắk, tạo ra nhiều cơ hội gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao tính bền vững của ngành hàng.

Giá hồ tiêu tại tỉnh Đắk Lắk liên tục tăng, hiện đạt đến 94.000 đồng/kg. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Giá hồ tiêu tại tỉnh Đắk Lắk liên tục tăng, hiện đạt đến 94.000 đồng/kg. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

 

Nối tiếp sự tăng trưởng từ năm 2023, giá càphê tiếp tục tăng từ đầu năm 2024 đến nay.

Bên cạnh đó, giá hồ tiêu cũng tăng cao đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân Đắk Lắk, tạo ra nhiều cơ hội gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao tính bền vững của ngành hàng.

Nông dân phấn khởi

Tỉnh Đắk Lắk có hơn 212.000 ha càphê và 28.583 ha hồ tiêu. Đây là hai cây trồng gắn bó lâu đời với người dân Đắk Lắk, được trồng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Sau nhiều năm giá hồ tiêu xuống thấp (chạm mức 34.000 đồng/kg vào tháng 3/2020), từ đầu năm 2024 đến nay, giá hồ tiêu tại tỉnh Đắk Lắk liên tục tăng, đạt đến 94.000 đồng/kg. Giá càphê nhân xô vượt mốc 100.000 đồng/kg. Giá tăng cao, nhiều hộ dân có lãi và có vốn tái đầu tư vườn cây.

Ông Trần Ðình Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Tu (thành phố Buôn Ma Thuột), cho biết giá càphê tăng, bà con thu hái quả chín, Hợp tác xã thu mua 125.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường.

Bà con thành viên Hợp tác xã rất phấn khởi, cải thiện được đời sống. Hợp tác xã làm việc với các ngân hàng thương mại để vay vốn, đảm bảo thu mua cho thành viên nên không gặp nhiều khó khăn.

Giá tăng, nông dân phấn khởi nhưng nhiều đại lý, doanh nghiệp gặp khó khăn trong thu mua nông sản. Qua ghi nhận, nhiều nông dân, đại lý vẫn tích trữ nông sản đợi giá tăng cao hơn thì bán.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thu, xã Ea Kpam, huyện Cư M’Gar, trồng xen canh 1ha càphê và hồ tiêu. Năm nay, gia đình chị thu được 2,5 tấn tiêu khô. Với giá hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi gần 120 triệu đồng. Tuy nhiên, gia đình chị Thu đợi giá tiêu đạt 120.000 đồng/kg mới bán.

Tại thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’Gar, gia đình bà Nguyễn Thị Long đã kinh doanh nông sản hàng chục năm nay. Mùa vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2024, mỗi ngày, gia đình bà thu mua khoảng 20 tấn tiêu, giảm 20-30 tấn/ngày so với các năm trước.

Theo bà Long, sản lượng thu mua giảm do diện tích hồ tiêu đã giảm. Mặt khác, nông dân bán ra số lượng ít, đang còn tích trữ lại càphê và hồ tiêu nhằm đợi giá cao hơn. Bà Long dự đoán, giá hồ tiêu sẽ đạt 150.000 đồng/kg vào năm 2025, giá càphê sẽ đạt mốc 120.000 đồng/kg, do đó, sau khi thu mua, gia đình bà không bán hết mà trữ khoảng 50% sản lượng để đợi giá cao hơn.

ttxvn-ca phe.jpg

Thu hoạch càphê. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Giá nông sản tăng, nông dân hưởng lợi song các doanh nghiệp gặp khó nhiều khó khăn, đòi hỏi phải thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công cho biết, doanh nghiệp vừa trải qua thời điểm cực kỳ khó khăn do giá nông sản tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Điều thuận lợi là doanh nghiệp có vùng nguyên liệu và đa dạng sản phẩm đầu ra, do đó chấp nhận lỗ ở một số sản phẩm và bù trừ bằng sản phẩm khác. Sau một thời gian ngắn bị động, lúng túng khi giá càphê tăng cao, hiện doanh nghiệp đã thích nghi, vận hành tốt, duy trì doanh số và lợi nhuận dương.

Cây càphê và hồ tiêu là thu nhập chính của đại đa số nông dân Đắk Lắk. Giá càphê và hồ tiêu tăng, nông dân hưởng lợi và "mặn mà" chăm sóc hơn sau nhiều năm giá hai loại nông sản này xuống thấp. Đây cũng là tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp và các địa phương bởi tỉnh, góp phần đưa nông nghiệp khởi sắc và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tầm quan trọng của liên kết sản xuất

Giá càphê và hồ tiêu tăng cao phản ánh bài toán cung-cầu. Nguồn cung về càphê và hồ tiêu trong dân sụt giảm sản lượng do một số nông hộ ở Đắk Lắk đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như bơ boot, sầu riêng. Bên cạnh đó, càphê Robusta của Việt Nam ngày càng nâng cao chất lượng, khẳng định được giá trị thương hiệu nên các đơn đặt hàng ngày càng nhiều.

Cùng với đó, nhu cầu về hồ tiêu tăng do lượng tồn kho tiêu ở các nước tiêu thụ đã giảm. Song giá tăng cao, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn vốn, khả năng giữ nguồn hàng, việc đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu, khả năng quản trị rủi ro…

Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco ĐakLak), cho biết năm nay, doanh nghiệp cần gấp đôi nguồn vốn để phục vụ kinh doanh, xuất khẩu càphê và hồ tiêu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự đoán sản lượng xuất khẩu càphê và hồ tiêu năm 2024 không đạt kế hoạch đề ra, giảm 10% so với năm 2023.

Dự đoán trước tình hình giá tăng, doanh nghiệp đã chuẩn bị xong các đơn hàng ký kết từ trước và xuất khẩu. Tuy nhiên, giá tăng, việc phát sinh đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới sẽ hạn chế, tùy thuộc vào nguồn cung ứng bởi bà con nông dân hiện đang còn trữ lại khoảng 10-15% sản lượng.

Cũng theo phân tích của ông Lê Đức Huy, giá càphê và hồ tiêu thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, cho thấy giá trị nội tại của nông sản Việt đã sang trang mới. Đây là cơ hội để đổi mới phương thức canh tác theo xu hướng xanh, ứng phó với Biến đổi Khí hậu và thích ứng với môi trường. Giá nông sản tăng cho thấy tầm quan trọng của việc liên kết sản xuất.

Công ty Simexco ĐakLak đã xây dựng chuỗi liên kết với hơn 40.000 hộ nông dân để canh tác càphê Robusta chất lượng cao và càphê đặc sản. Đây là hướng đi đúng đắn, khi giá nông sản tăng, nguồn cung khan hiếm, Simexco ĐakLak vẫn đảm bảo được nguồn hàng. Thời gian tới, Simexco ĐakLak tiếp tục thắt chặt và mở rộng chuỗi liên kết theo chiều sâu thông qua mô hình hợp tác xã, liên kết bằng chuyển đổi số.

Quý 1/2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Đắk Lắk ước thực hiện 495 triệu USD, đạt 30,9% kế hoạch năm, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, mặt hàng càphê ước xuất khẩu 105.000 tấn, giảm 1,2% về lượng; hạt tiêu ước xuất khẩu 7.500 tấn, tăng 55% về lượng so với quý 1/2023.

ttxvn-ca phe2.jpg

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê niên vụ 2023–2024. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương, thời gian qua, giá nông sản và hồ tiêu tăng cao, nông dân chỉ bán một phần cần thiết để phục vụ tái đầu tư và tiêu dùng, còn lại là tiếp tục trữ hàng để chờ giá tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu vì nhiều doanh nghiệp không mua được hàng. Do đó, ông Huỳnh Ngọc Dương khuyến cáo, nông dân khi thấy giá cả hợp lý, có lãi thì bán, tránh tình trạng như trước đây, đợi đến khi giá đứng hoặc giá giảm, nông dân bán, doanh nghiệp không mua, nông dân không được hưởng lợi nhiều.

Bên cạnh đó, trong xu hướng hội nhập, các nước rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm theo xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Xu hướng của người tiêu dùng cũng chuyển sang sử dụng những sản phẩm có chất lượng, đòi hỏi các doanh nghiệp chế biến, rang xay trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn thống nhất để hướng tới sự bền vững.

Trước tình hình giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk Đỗ Xuân Dũng cho biết trong định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh xác định nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản là mục tiêu hàng đầu.

Ngành nông nghiệp tỉnh luôn theo dõi sát tình hình thị trường và tình hình sản xuất của người dân để đưa ra những định hướng, khuyến cáo phù hợp, đặc biệt là khuyến cáo nông dân không ồ ạt chạy theo một loại cây trồng nào mà tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng tầm giá trị nông sản Việt./.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới