Ninh Thuận: Nước mắm truyền thống hút hàng dịp Tết Nguyên đán
28/01/2024 16:16
Vào thời điểm này, các cơ sở sản xuất nước mắm ở xã Cà Ná đang tập trung tối đa nguồn nhân lực để sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng vào Tết Nguyên đán.
Để làm ra được loại nước mắm truyền thống đảm bảo chất lượng thơm ngon, các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống tại xã Cà Ná (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đang tập trung cao độ cho các công đoạn sản xuất hàng trăm nghìn lít nước mắm cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán.
Tại Cơ sở sản xuất nước mắm Quang Minh (thôn Lạc Sơn 2, xã Cà Ná), hàng chục công nhân đang tất bật với các công đoạn chiết xuất nước mắm, đóng chai, dán nhãn, hàng trăm chai nước mắm thơm ngon đượm vị đã được đóng thùng sẵn sàng tới tay khách hàng.
Anh Trịnh Nguyễn Đoàn, người quản lý Cơ sở sản xuất nước mắm Quang Minh, cho biết để chế biến ra giọt nước mắm truyền thống thơm ngon là cả quá trình tốn nhiều thời gian, công sức và tâm huyết.
Cụ thể, cá cơm sau khi các chủ tàu đánh bắt ngoài biển về cảng được Cơ sở kiểm tra kỹ lưỡng, nếu cá đạt chất lượng tươi ngon mới cho xe chở về xưởng. Để làm nước mắm, cá cơm tươi được trộn trực tiếp với muối hột theo tỷ lệ 3 cá-1 muối rồi cho vào thùng gỗ, bể chứa để ủ.
Sau khi ủ tầm 3-5 tháng sẽ cho chạy đảo mắm để cho chín dần, đảo cho tới khi 18 tháng mắm đủ độ chín sẽ rút ra và pha theo tỷ lệ độ đạm đã công bố rồi chiết rót nước mắm thành phẩm.
Anh Trịnh Nguyễn Đoàn cho hay để chuẩn bị cho mùa Tết năm nay, cơ sở đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu để ủ chượp từ 1 năm trước đó. Từ tháng 9 bắt đầu rút lượng mắm chín ra để sẵn và cách đây 1 tháng bắt đầu tăng cường nhân lực gấp ba lần để sản xuất. Đến thời điểm này cơ bản nguồn hàng đã tiêu thụ được khá nhiều, khả năng năm nay sẽ đạt chỉ tiêu tăng 10% sản lượng đưa ra thị trường.
Mỗi năm, Cơ sở sản xuất nước mắm Quang Minh cung cấp cho thị trường trên 100.000 lít nước mắm; trong đó, tỷ lệ nước mắm ngon phổ thông chiếm khoảng 60%; còn lại là các loại mắm cốt nhĩ cao cấp, nước mắm làm gia vị chiếm khoảng 40%.
Cơ sở hiện có ba dòng sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao bao gồm: Nước mắm cá cơm truyền thống Quang Minh Cà Ná 45 loại thượng hạng; nước mắm cá cơm truyền thống Quang Minh Cà Ná 50 loại thượng hạng và Nước mắm nguyên chất cá cơm truyền thống Quang Minh Cà Ná loại đặc biệt. Giá bán dao động từ 20.000 đến 250.000 đồng/lít nước mắm tùy theo chất lượng.
Vào thời điểm này, các cơ sở sản xuất nước mắm ở xã Cà Ná đang tập trung tối đa nguồn nhân lực để sản xuất sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng vào Tết Nguyên đán.
Theo các cơ sở, dịp Tết là thời điểm bận rộn nhất vì các đơn hàng sỉ tăng lên rất nhiều so với ngày thường. Chị La Thị Lệ Phương, chủ Cơ sở sản xuất nước mắm Thương Thảo (thôn Lạc Sơn 3, xã Cà Ná) cho hay, bình thường mỗi tháng cơ sở bán khoảng 3.000 lít nước mắm, mùa Tết sản lượng bán tăng lên gấp 2-3 lần.
“Hàng Tết thì cơ sở làm loại nước mắm đặc biệt, thượng hạng nhiều hơn phù hợp để người dân sử dụng và mua làm quà biếu tặng. Loại nước mắm đặc biệt này kéo rút từ nước cốt ban đầu, tiếp đến là nước mắm thượng hạng và các loại mắm có độ đạm thấp hơn. Giá nước mắm loại đặc biệt cao nhất là 150.000 đồng/lít, rẻ nhất là 20.000 đồng/lít,” chị La Thị Lệ Phương chia sẻ.
Để đáp ứng nhu cầu làm quà biếu dịp Tết, các cơ sở sản xuất đưa ra nhiều dạng sản phẩm như thùng quà tặng 5 lít, 10 lít hay giỏ quà 1 lít, 1,5 lít, 2 lít... với các mức giá khác nhau đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhờ đầu tư công nghệ, thiết kế mẫu mã chai sản phẩm, đóng hộp đẹp mắt, các sản phẩm nước mắm cá cơm truyền thống Cà Ná ngày càng nhận được sự quan tâm và đón nhận của khách hàng.
Sản phẩm nước mắm Cà Ná hiện đang được các cơ sở bán sỉ, lẻ, bán tại các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, các sàn giao dịch thương mại điện tử, siêu thị, chuỗi cửa hàng tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Ông Trần Quốc Hoàn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Nam, cho biết làng nghề nước mắm truyền thống Cà Ná nổi tiếng được cả nước biết đến từ lâu. Toàn huyện hiện có trên 100 cơ sở sản xuất nước mắm chủ yếu nằm dọc hai bên quốc lộ 1A của hai xã Cà Ná, xã Phước Minh và xã Phước Diêm.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhất là trong mùa Tết, các cơ sở sản xuất đã đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nhà xưởng, chuẩn bị nguyên liệu, huy động tối đa nhân lực để sản xuất nước mắm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và sản lượng cung ứng cho thị trường. Qua đó, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội ở địa phương.
Xã Cà Ná nổi tiếng với nghề làm nước mắm truyền thống hàng trăm năm. Nhờ điều kiện tự nhiên ưu đãi, nguồn cá cơm dồi dào giàu dinh dưỡng cùng với những hạt muối biển trắng trong tinh khiết ở vùng biển Cà Ná đã tạo nên hương vị đậm đà của nước mắm truyền thống hòa quyện vị mặn, vị ngọt và cả vị béo của đạm với màu cánh gián đậm sóng sánh, mùi thơm đặc trưng rất riêng.
Mỗi năm các cơ sở ở địa phương sản xuất và cung ứng cho thị trường hàng triệu lít nước mắm các loại. Nước mắm Cà Ná thơm ngon, hợp vệ sinh được các ngành chức năng của tỉnh Ninh Thuận kiểm tra thường xuyên và chứng nhận chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Năm 2017, nước mắm Cà Ná đã Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm “Nước mắm Cà Ná,” Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận công nhận nước mắm Cà Ná là 1 trong 12 sản phẩm đặc thù của địa phương./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu
Doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm 2025
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan
Bất động sản phía Nam chuyển biến tích cực dịp cuối năm
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal