Người dân Hưng Yên phấn khởi vì nhãn đầu vụ được giá dù sản lượng giảm

29/07/2024 10:43

Thời điểm này tại tỉnh Hưng Yên, một số nhãn trà sớm đã cho thu hoạch với giá bán nhãn hương chi trung bình từ 35.000-40.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 5.000 đồng/kg.

Các thành viên của Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên chuẩn bị cho vụ thu hoạch nhãn. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

Các thành viên của Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên chuẩn bị cho vụ thu hoạch nhãn. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

 

Hiện một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã bước vào vụ thu hoạch nhãn. Ngoài việc, thương lái đến tận vườn đặt mua, nhiều hợp tác xã, nhà vườn đã thiết lập các kênh tiêu thụ để đưa đặc sản nổi tiếng của Hưng Yên đến tận tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Thành phố Hưng Yên là một trong những vùng trồng nhãn đặc sản quy mô lớn của tỉnh, với diện tích khoảng 1.000ha, tập trung ở các xã Hồng Nam, Phương Chiểu, Tân Hưng, Quảng Châu; trong đó có nhiều giống nhãn ngon đặc sản, giá trị kinh tế cao như cùi cổ, đường phèn, hương chi... với sản lượng ước đạt trên 11.000 tấn.

Thời điểm này, một số hợp tác các nhãn của thành phố bắt đầu cho thu hoạch. Năm nay, do thời tiết khắc nghiệt, sản lượng nhãn thấp hơn năm 2023 nhưng người dân rất phấn khởi vì nhãn đầu vụ bán được giá.

Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên năm nay trồng trên 30ha nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến sẽ cho thu hoạch khoảng 200 tấn quả.

Thời điểm này, một số nhãn trà sớm đã cho thu hoạch, với giá bán nhãn hương chi trung bình từ 35.000-40.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái 5.000 đồng/kg.

Mặc dù, năm nay gần 60 tuổi nhưng Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng Trần Văn Mý sử dụng khá thành thạo các trang mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, thương hiệu nhãn của hợp tác xã đến với người tiêu dùng.

Theo ông Mý, với phương châm "chất lượng sẽ làm nên thương hiệu," vì thế ngay từ khi thành lập, hợp tác xã tập trung vào phát triển cây nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hợp tác xã công khai quy trình canh tác trên các nền tảng mạng xã hội từ khâu chăm sóc, chăm bón đến thu hoạch, do vậy có rất đông người tiêu dùng theo dõi, đặt mua khi nhãn vào vụ. Hiện một số diện tích nhãn chín sớm, bà con trong hợp tác xã đang thu hoạch để bán.

Để làm đa dạng kênh tiêu thụ, Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng cũng là đơn vị tiên phong của tỉnh trong việc đưa du khách đến tham quan trải nghiệm vườn nhãn với tên gọi "Tour trải nghiệm 0 đồng."

Khi đến với vườn, du khách sẽ được thưởng thức nhãn miễn phí. Nếu có nhu cầu đặt hàng hợp tác xã sẽ cắt nhãn và cân cho du khách ngay tại vườn.

"Mục đích chính của chúng tôi là quảng bá thương hiệu, để nhãn lồng Hưng Yên đến gần hơn với khách hàng trong và ngoài nước. Năm nào cũng vậy, cứ đầu tháng Bảy, hợp tác xã công khai số điện thoại trên mạng Internet, đồng thời tăng cường quảng bá các thông tin, hình ảnh về mùa nhãn trên các nền tảng xã hội, để các đoàn khách đăng ký tour trải nghiệm," ông Mý nói.

Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, thành phố Hưng Yên được thành lập năm 2016, đến nay đã có trên 30 thành viên, với diện tích sản xuất khoảng 20ha.

Những năm gần đây, hợp tác xã luôn chú trọng việc sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng của quả nhãn. Do vậy, hợp tác xã luôn khuyến khích các thành viên chuyển dần từ sản xuất VietGAP sang sản xuất hữu cơ.

Phương pháp này không chỉ bảo vệ sức khỏe của người trồng mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, thu nhập.

Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu Bùi Xuân Sử chia sẻ việc thay đổi phương thức canh tác, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đã giúp các nhà vườn, hợp tác xã khẳng định thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.

Chính sự thay đổi đó phần nào giúp các nhà vườn, hợp tác xã giải quyết được bài toán "được mùa, mất giá." Theo ông Sử, hợp tác xã còn nhận bao tiêu sản phẩm cho các hộ tại địa phương, dự tính với tổng sản lượng trên 400 tấn.

Để sẵn sàng cho hoạt động tiêu thụ nhãn trong vụ thu hoạch, Ban Quản trị hợp tác xã chủ động, tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ ở phân khúc cao cấp như siêu thị, cửa hàng rau quả sạch và một phần được xuất khẩu sang nước ngoài.

Đáng chú ý, năm 2021, gia đình ông Sử là hộ tiên phong chuyển từ trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP sang trồng theo hướng hữu cơ, trên diện gần 2ha.

 

nhan long hung yen 2.jpg

Hiện nay, toàn tỉnh Hưng Yên có 20 vùng trồng nhãn xuất khẩu. (Ảnh: Mai Ngoan/TTXVN)

Ông Sử cho biết việc chăm cây nhãn theo phương pháp hữu cơ tốn nhiều công sức và thời gian hơn so với nhãn trồng đại trà và theo tiêu chuẩn VietGAP.

Phân bón cho cây chủ yếu từ các sản phẩm ngâm ngô, đỗ, cá, được ủ sinh phẩm, khử mùi hôi tanh rồi hòa nước và tiến hành tưới gốc cây.

Đặc biệt, nhãn trồng theo hướng hữu cơ nói không với thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng chế phẩm nano bạc, được pha cùng hỗn hợp xay gừng, tỏi, ớt phun trên lá, trên thân cây nhãn. Do vậy, nhãn sạch chính là yếu tố quan trọng giúp vườn của gia đình luôn trong tình trạng "cháy hàng."

"Nhãn sản xuất theo hướng hữu cơ, cây khỏe, năng suất ổn định, quả có vị ngọt, thơm được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Ngoài các đơn đặt hàng trong nước, năm nay, đã có đối tác đặt 2 tấn nhãn Hương Chi sản xuất theo hướng hữu cơ để xuất khẩu sang thị trường nước Anh," ông Sử nói.

Hiện nay, toàn tỉnh có 20 vùng trồng nhãn xuất khẩu; trong đó có hai vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) và xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu); năm vùng được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và 13 vùng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đến nay, toàn tỉnh có bốn khu vực đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý gồm: thành phố Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Tráng cho biết, cùng với áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào thâm canh để tăng năng suất, chất lượng nhãn quả, hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nhãn lồng được tỉnh, các địa phương chú trọng. Qua đó, nhãn lồng Hưng Yên đã được nhiều doanh nghiệp, siêu thị tìm đến ký kết tiêu thụ.

Đến nay, thị trường tiêu thụ nhãn được tiêu thụ qua nhiều kênh như hàng quà tặng, các siêu thị, cửa hàng rau quả sạch, chợ ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh... và xuất khẩu sang một số nước.

Theo ông Nguyễn Văn Tráng, để quảng bá, nâng tầm thương hiệu nhãn Hưng Yên, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tổ chức các phiên chợ, hội chợ, các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối giao thương, đã mở rộng thị trường tiêu thụ nhãn quả tươi đến các địa phương trong cả nước và nước ngoài. Cùng đó, các sàn thương mại điện tử Voso, Lazada, Shopee, Sendo, ViettelPost, VNPTPost… đã tích cực cùng các hợp tác, nhà vườn đưa sản phẩm nhãn lên sàn thương mại điện tử để tiêu thụ với sản lượng lớn.

Năm nay, toàn tỉnh trồng khoảng 5.000ha nhãn, tập trung ở thành phố Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi. Các giống nhãn chủ yếu được trồng là nhãn đường phèn, nhãn hương chi, nhãn miền thiết, nhãn T6, nhãn siêu ngọt.../.

 

Nguồn: vietnamplus.vn

Viết bình luận mới