Người chăn nuôi thua lỗ vì giá bò thịt giảm thấp
03/02/2024 07:42
Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết Nguyên đán 2024, song hàng nghìn hộ nông dân chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Trà Vinh vẫn thua lỗ nặng do giá bò thịt giảm. Tình trạng này đã kéo dài trong suốt năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Thắng, người chăn nuôi bò thịt và bò sinh sản ở ấp Vĩnh Bảo, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành cho biết, gia đình đã chăn nuôi bò hơn 10 năm qua nhưng chưa bao giờ bị thua lỗ như năm 2023. Trước đây, cũng với đàn bò nuôi 10 con, gia đình ông có thu nhập từ 140 - 160 triệu đồng mỗi năm từ việc bán 8 - 9 con bê ở độ tuổi 10 - 12 tháng.
Tuy vậy, trong cả năm 2023, giá bò thịt giảm mạnh, kéo theo giá bê con bán cho người chăn nuôi chỉ còn 6 - 7 triệu đồng/con, giảm hơn 60% so với trước. Trong khi đó, giá thức ăn công nghiệp cho bò từ 170.000 đồng/bao tăng lên 250.000 đồng/bao; phụ phẩm rơm khô từ 25.000 đồng/cuộn (khoảng 10 kg/cuộn) tăng lên 35.000 đồng/cuộn; cỏ tươi như cỏ voi, cỏ sả cũng tăng lên mức 1.000 - 1.200 đồng/kg, nên người chăn nuôi bò đều thua lỗ.
Ông Kiên Nguơn, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang đang nuôi đàn bò thịt 8 con, nhưng vẫn không thể bán trong dịp Tết Nguyên đán này do giá bò thịt vẫn ở mức thấp. Ông cho biết, gia đình ông đã dành 1.000 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng cỏ. Song chăn nuôi bò thịt vỗ béo cần có đủ 3 loại thức ăn gồm: thức ăn công nghiệp, rơm khô, cỏ tươi thì bò mới tăng trọng nhanh, chất lượng thịt tốt. Trong khi đó, từ đầu năm 2023, giá thức ăn công nghiệp tăng cao, giá bò thịt giảm mạnh nên rất khó khăn.
Cụ thể, giá bò hơi còn 80.000 đồng/kg và đến cuối tháng 1/2023, giảm tiếp chỉ 70.000 - 75.000 đồng/kg. Theo ông Kiên Nguơn, trước đây nuôi bò thịt từ bê con lúc 12 tháng tuổi, chỉ sau 18 tháng nuôi xuất bán từ 35 - 40 triệu đồng/con, còn hiện tại khoảng 18 - 20 triệu đồng/con, tương đương thua lỗ hơn 50%.
Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, nhiều năm nay tỉnh phát triển mạnh chăn nuôi bò, nhờ lợi thế về đất đai, nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào. Năm 2023, tổng đàn bò của tỉnh có gần 266.000 con, tăng gần 11.000 con so năm 2022. Tỉnh đặt mục tiêu phát triển đàn bò đến năm 2030 đạt 350.000 con được nuôi theo hướng quy mô tập trung, nâng cao chất lượng thịt và an toàn sinh học.
Tuy nhiên, thực trạng nghề chăn nuôi bò trong tỉnh có đến hơn 90% là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, thiếu sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí, nên dễ bị tác động trước biến động thị trường, giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ.
Ngành nông nghiệp tỉnh đang tăng cường công tác hỗ trợ, khuyến khích nông dân thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại; thay đổi và lai tạo nâng cao tầm vóc đàn bò. Cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp sẽ chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học; cách ủ nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp đảm bảo về nguồn dinh dưỡng. Đồng thời, khuyến khích nông dân chăn nuôi gia trại chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn, giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu
Doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm 2025
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan
Bất động sản phía Nam chuyển biến tích cực dịp cuối năm
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal