Ngành phân bón 'lao đao' vì 'thuộc nhóm không chịu thuế VAT'

16/06/2024 10:42

Theo các chuyên gia kinh tế, do thuộc nhóm không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT), các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ VAT đầu vào cho các khoản đầu tư, mua sắm tài sản cố định, vốn đang chịu mức thuế 7 - 8%. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người nông dân.

Chú thích ảnh

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam.

Chi phí tăng khiến giá mặt hàng “leo thang”

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết: “Gần 10 năm không được áp thuế VAT đối với phân bón, ngành nông nghiệp thiệt đơn, thiệt kép. Đã đến lúc không thể không sửa đổi việc tính phân bón vào nhóm không chịu thuế đang quy định tại Luật 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014, bởi các bất cập đã lộ rõ trong 10 năm qua”.

Thực tế, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế VAT” trong suốt những năm qua, khiến các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế VAT đầu vào, đặc biệt đối với hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. 

“Do không được khấu trừ, nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón. Người bị ảnh hưởng là nông dân, người sử dụng vật tư. Trong khi đó, lĩnh vực vật tư nông nghiệp chiếm tới khoảng 40 - 60% giá thành của các sản phẩm nông nghiệp”, ông Nguyễn Trí Ngọc trăn trở tại Tọa đàm “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 14/6.

Không chỉ vậy, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng cũng là nguyên nhân gây ra bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu. Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, mỗi năm ngành nông nghiệp tiêu thụ 11 - 12 triệu tấn phân bón, trong đó các sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu, có những sản phẩm buộc phải nhập khẩu do Việt Nam chưa sản xuất được. Trong khi sản phẩm của các nước khác vẫn chịu thuế VAT giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước.

Chú thích ảnh

Nhiều doanh nghiệp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi quy định, chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%. Ảnh: TTXVN

Cách đây 10 năm, khi Quốc hội thông qua luật thuế VAT, mục tiêu ở thời điểm đó là đưa ra các chính sách làm thế nào khuyến khích nông nghiệp, tháo gỡ nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam trải qua khủng hoảng châu Á - Thái Bình Dương 2008 và kinh tế trong nước vẫn gặp khó khăn rất nhiều trong giai đoạn 2012 - 2013.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế Doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế chia sẻ: Trước Luật số 71/2014/QH13, phân bón thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Tuy nhiên, khi nền kinh tế gặp khó khăn, đặc biệt là sau khủng hoảng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2008, Quốc hội đã thông qua Luật 71, đưa phân bón vào diện không chịu thuế giá trị gia tăng nhằm giảm giá đầu vào cho nông dân. Quyết định này được đưa ra với hy vọng sẽ giúp ngành nông nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí.

Tuy nhiên, việc không áp thuế VAT đã tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong 10 năm qua. Doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không được khấu trừ thuế VAT đầu vào cho nguyên vật liệu, máy móc và dịch vụ, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng cao. 

“Điều này không chỉ làm tăng giá phân bón cho nông dân, mà còn khiến các doanh nghiệp phân bón nội địa mất lợi thế cạnh tranh so với hàng nhập khẩu, vốn được khấu trừ thuế giá trị gia tăng ở nước xuất xứ”, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết.

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Phó Tổng giám đốc CTCP DAP - Vinachem, việc không khấu trừ được thuế VAT đã làm tăng chi phí sản xuất lên khoảng 7 - 8% mỗi năm, ước tính mỗi năm mất khoảng 100 tỷ đồng. Tình trạng này kéo dài suốt 10 năm, khiến doanh nghiệp mất đi hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cạnh tranh và đầu tư.   

Kiến nghị đưa phân bón vào diện chịu thuế 5%

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi quy định, chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế VAT sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% .

Việc ban hành quy định này, sẽ tháo gỡ được những bất cập, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh ngành phân bón. Bên cạnh đó, thông qua áp dụng mức thuế VAT sẽ giúp đơn vị trong ngành nâng cao nội lực, chia sẻ với người tiêu dùng và giảm giá bán thông qua hạ giá thành sản phẩm. 
Điều này cũng sẽ giúp cho nông dân tiết kiệm được chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất, canh tác. Đặc biệt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào các dự án sản xuất phân bón chất lượng cao, phân bón thế hệ mới.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, việc áp dụng thuế VAT 5% sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành phân bón. Đó là giúp tăng thu ngân sách đối với thuế nhập khẩu trong khi vẫn giữ mặt bằng giá bán trong nước. Đối với nông dân có cơ hội yêu cầu doanh nghiệp bán giá mới thấp hơn, yêu cầu doanh nghiệp phân bón thực hiện nguyên tắc đúng theo Luật, được khấu trừ đầu vào cần hạ mặt bằng giá bán.

"Hiện có rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư về nông thôn, việc áp thuế VAT giúp doanh nghiệp phân bón được khấu trừ kê khai thuế VAT đầu vào. Có những doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng chịu thuế 5%, nhưng đầu vào 10%, trước đó phân bón thuốc trừ sâu, ngành dược, thiết bị… thuế đầu ra thấp hơn đầu vào, Nhà nước hoàn lại cho doanh nghiệp, tránh doanh nghiệp bị mất vốn. Việc áp dụng thuế VAT 5% được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mình mạnh mẽ cho ngành phân bón, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp, người nông dân và nền kinh tế”, ông Nguyễn Văn Phụng nhận định.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới