Nắm bắt chính sách để duy trì vị trí xuất khẩu gạo số 1 tại Philippines

07/06/2024 12:28

5 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines với 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines.

Chú thích ảnh

Bốc xếp gạo xuất khẩu qua cảng Sài Gòn. Ảnh tư liệu: Đình Huệ/TTXVN

Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu gạo giữa Việt Nam và Philippines trong thời gian tới về cơ bản vẫn ổn định, sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng cho tới khi Chính phủ Philippines kiện toàn bộ máy, xây dựng mạng lưới cũng như cơ chế hoạt động của Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) để có thể can thiệp trực tiếp và hiệu quả vào thị trường gạo. Đồng thời, việc sửa đổi Luật số 11203 sẽ không thể ngay tức khắc ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam với Philippines.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, từ đầu năm 2023 tới nay, do nhiều nguyên nhân, nhiều mặt hàng thiết yếu tại Philippines có xu hướng tăng giá; trong đó, gạo là mặt hàng tăng giá nhiều nhất. Riêng trong quý I/2024, mức tăng giá của mặt hàng gạo đã khoảng 24,4%, tác động không nhỏ trong mức tăng lạm phát của Philippines trong quý này. Trước bối cảnh đó, Chính phủ Philippines đã từng áp dụng biện pháp giá trần nhằm kiểm soát đà tăng giá gạo nhưng không thành công như mong đợi. Vì vậy, Chính phủ Philippines đã hối thúc Viện Nghiên cứu sửa đổi Luật số 11203 về tự do hóa xuất nhập khẩu và thương mại gạo nhằm khôi phục cho Cơ quan lương thực quốc gia Philippines quyền năng can thiệp trực tiếp để điều tiết và bình ổn thị trường.

Từ đầu năm 2023, đặc biệt sau khi Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non-basmati (trắng) vào tháng 7/2023 làm cho thị trường lương thực thế giới bất ổn, kéo theo sự tăng giá các mặt hàng lương thực, đặc biệt là mặt hàng gạo tại Philippines, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhiều người dân, đặc biệt là dân nghèo.

Để kiểm soát giá gạo, ngày 31/8/2023, Tổng thống Ferdinand R. Marcos, Jr., ban hành Sắc lệnh số 392 quy định bắt buộc áp giá trần giá bán lẻ gạo trên thị trường. Tuy nhiên, sau khi áp dụng, Sắc lệnh số 392 đã cho thấy sự bất lực và không mang lại hiệu quả như mong đợi. Do vậy, giải pháp đưa NFA trở lại vai trò trước đây bằng cách khôi phục cho cơ quan này quyền nhập khẩu gạo và điều tiết hoạt động kinh doanh bán lẻ gạo sẽ làm đảo ngược tất cả các cải cách có lợi trong khung chính sách lúa gạo mà Luật số 11203 đã đạt được. Tác động của các sự kiện bên ngoài gây bất lợi đối với thị trường gạo trong ngắn hạn không liên quan đến các quy định của Luật số 11203 hay các khuôn khổ pháp lý đã được thiết lập.

Mặc dù dự luật sửa đổi chưa được chính thức thông qua, tuy nhiên, Thương vụ cho rằng, việc sửa đổi Luật số 11203 sẽ có tác động đến hoạt động thương mại gạo giữa hai nước. Cụ thể: Việc sửa đổi Luật theo hướng khôi phục thẩm quyền cho NFA trực tiếp tham gia điều tiết, bình ổn thị trường gạo. Về lý thuyết có thể sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực theo hướng giảm giá bán gạo trên thị trường tại Philippines trong thời gian tới. Tuy nhiên, trên thực tế sẽ rất khó để việc này đạt được kết quả như kỳ vọng, bởi NFA phải xây dựng được một hệ thống nhân sự và cơ sở vật chất cho sự tham gia vào chuỗi cung ứng gạo ở khắp các địa phương trên cả nước, điều NFA không thể làm được trong một thời gian ngắn.

Thêm vào đó, việc tham gia bình ổn thị trường của NFA trước mắt chỉ giới hạn khi thị trường có biến động tăng giá hoặc trường hợp khẩn cấp theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, vì vậy, khó có thể có tác động ngay tức khắc tới thị trường gạo nói chung. Ngoài ra, việc bình ổn của NFA chủ yếu nhắm tới thị trường các mặt hàng gạo chất lượng trung bình và thấp, phục vụ cho đại đa số người dân nghèo hoặc có thu nhập thấp, vì vậy, không ảnh hưởng nhiều tới thị trường gạo cao cấp.

Thống kê cho thấy, 5 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines với 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines. Dẫn thông tin từ Cục Thực vật (Bureau of Plant Industry) - Bộ Nông nghiệp Philippines, Thương vụ Việt Nam tại thị trường này cho biết, nhập khẩu gạo của Philippines đạt gần 2 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2024, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ 2023. Cụ thể, tính từ đầu năm 2024 đến 23/5/2024, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines tăng 20,3% so với 5 tháng đầu năm 2023, đạt mức 1,97 triệu tấn, cao hơn khá nhiều so với mức nhập khẩu 1,64 triệu tấn trong 5 tháng đầu năm 2023.

Cũng trong 5 tháng đầu năm, Cục Thực vật đã cấp 4.066 giấy phép thông quan nhập khẩu gạo cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Đối với hợp tác thương mại gạo với Việt Nam, 5 tháng đầu năm, Việt Nam vẫn là đối tác xuất khẩu gạo lớn nhất của Philippines với 1,44 triệu tấn, chiếm 72,9% trong tổng số gạo nhập khẩu của Philippines. Đứng thứ hai là Thái Lan xuất khẩu sang Philippines đạt 300.227 tấn, tiếp theo là Parkistan đạt 144.834 tấn, Myanmar đạt 65.080 tấn. Phần còn lại nhập khẩu từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Italy và Tây Ban Nha.

Năm 2023, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt 3,6 triệu tấn, giảm 5,9% so với mức kỷ lục năm 2022 đạt 3,82 triệu tấn. Năm 2024, dự tính tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines đạt khoảng 4 triệu tấn. Theo một số doanh nghiệp, thị trường Philippines khá ưa chuộng các loại gạo ĐT8 và 5451 của Việt Nam do mềm cơm. Hiện nay, gạo của Việt Nam thống lĩnh tại khu vực Metro Manila, khu vực các tỉnh phía Nam do gạo của Việt Nam ngon cơm và giá cả phù hợp.

Ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại thị trường Philipines cho biết, gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng vừa phải, phù hợp với thị hiếu, thói quen tiêu dùng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp cho đến các tầng lớp giàu có, giá cả phải chăng nên có tính cạnh tranh. Không những vậy, nguồn cung gạo Việt Nam ổn định cả về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines. Khoảng cách địa lý gần nên chi phí thấp và thuận tiện trong chuyên chở.

Ngoài ra, gạo Việt Nam cũng tận dụng được ưu thế trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai bên tham gia, như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP)... trong khi các đối tác ngoài ASEAN của Philippines (như Ấn Độ, Pakistan) không có.

Để xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Philippines bền vững, ông Phùng Văn Thành khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước ngoài việc tiếp cận xuất khẩu sang thị trường mới phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines. Bởi hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam.

Mặt khác, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Công Thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam. Tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm gạo xuất khẩu qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng gạo vào thị trường Philippines.

Ông Phùng Văn Thánh cũng lưu ý doanh nghiệp cần đa dạng các mặt hàng gạo xuất khẩu, không chỉ quá tập trung vào các sản phẩm gạo có chất lượng cao phục vụ cho người có thu nhập cao, mà còn cần khai thác tiềm năng của gạo chất lượng trung bình, chất lượng thấp hơn để phục vụ cho một số lượng lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới