Lúa nhiễm mặn, người dân lo lắng kế sinh nhai
21/04/2024 09:13
Mặc dù đã rửa mặn, gieo cấy lại đến lần 3 nhưng khoảng 20 ha diện tích đất sản xuất lúa của người dân ở các thôn Vị Khê, thôn Hàn, xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) vẫn không nẩy mầm, sinh trưởng. Hơn 70 hộ dân có diện tích lúa bị chết do nhiễm mặn đang lo lắng cho kế sinh nhai bởi nguồn thu nhập chính của họ đến từ cấy lúa.
Nguyên nhân khiến lúa chết
Người dân thôn Vị Khê và thôn Hàn xã Liên Vị cho rằng, nguyên nhân khiến hàng loạt diện tích lúa vụ Xuân của họ hết lần này đến lần khác gieo sạ nhưng chết vẫn hoàn chết là do việc bơm cát san lấp mặt bằng khu công nghiệp Bắc Tiền Phong đang thi công cạnh khu vực cánh đồng của người dân.
Trước thực trạng diện tích lúa gieo sạ của người dân ở hai thôn thuộc xã Liên Vị bị chết, Sở Tài nguyên và Môi trường, thị xã Quảng Yên đã có các đoàn công tác để kiểm tra, khảo sát, đánh giá thiệt hại. Theo đó, kết luận tại Biên bản làm việc giữa Sở Tài nguyên và Môi trường với các bên liên quan ngày 12/3/2024 cho thấy, quá trình san lấp mặt bằng dự án có sử dụng nước mặn ra khu vực đất trũng giáp dự án.
Nước nhiễm mặn từ mương thoát nước của dự án có nguy cơ thẩm thấu theo 3 mương nước hiện có từ tuyến đường đất đắp của dự án dẫn về kênh tiêu; có một số thời điểm san lấp, nước bị tràn ra ngoài, ảnh hưởng đến chất lượng nước của kênh tiêu.
Diện tích khu vực bị nhiễm mặn khoảng 25 ha; trong đó, có khoảng 19 ha nằm trong quy hoạch của dự án thuộc diện tích giải phóng mặt bằng, đã nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2024 phải thu hồi đất nhưng chưa có thông báo thu hồi đất.
Cũng tại biên bản cho thấy, UBND xã Liên Vị đã thực hiện quan trắc tại thời điểm ngày 20/12/2023, 29/1/2024, kết quả chất lượng nước tại kênh tiêu đã bị nhiễm mặn từ 3‰ – 10‰, ngày 17/2/2024 độ mặn là 5‰ – 7‰ trong khi theo quy định độ mặn phù hợp cấp nước sản xuất lúa là dưới 2 ‰, cây sinh trưởng và phát triển tốt với độ mặn dưới 1‰.
Mặt khách việc cấp nước từ kênh tiêu vào sản xuất lúa không phù hợp do kênh tiêu hiện đang sử dụng là mương đất, không được bê tông hoá, khi bơm nước vào đồng ruộng sẽ làm xáo trộn bùn đất đáy kênh ảnh hưởng đến chất lượng nước.
Biện pháp nào hỗ trợ cho bà con?
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại khu vực diện tích đất sản xuất lúa nhiễm mặn thuộc xã Liên Vị, trên cánh đồng thênh thang thi thoảng xuất hiện những cụm màu xanh của cỏ, những thửa ruộng đã được gieo thẳng hoặc cấy đều không nhìn thấy sự sống của cây lúa.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh (73 tuổi, người dân xóm Vị Khê, xã Liên Vị) cho biết, gia đình có hơn 12 sào ruộng, vụ nào cũng được thu hoạch gần 3 tấn lúa. Theo như các năm thì vụ sản xuất này thường sẽ cho năng suất cao. Thế nhưng trong vụ này, khi người dân đưa nước từ con mương bên cạnh cánh đồng lên tưới tiêu thì cây lúa lại bị chết hết, người dân tiếp tục gieo cấy lần hai nhưng lúa vẫn chết.
Sau đó, bà con được chính quyền hướng dẫn bơm nước rửa mặn và hỗ trợ 2,1 kg giống/sào để gieo lại, thế nhưng màu xanh hy vọng không xuất hiện, toàn bộ diện tích gieo lại lần 3 cũng chung số phận như hai lần trước đó. Ông Thanh và các hộ dân bị ảnh hưởng rất lo lắng vì nhiều năm gắn bó với nghề làm nông, đây cũng là kế mưu sinh cho cả gia đình, nhưng giờ đồng lúa trở thành cánh đồng “chết”.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Vương (69 tuổi) thôn Vị Khê, xã Liên Vị xót xa cho biết đã cấy lúa nhiều đời nay, nhưng chưa năm nào lúa bị nhiễm mặn chết như vụ này. Gia đình ông Vương trồng 7 sào lúa, nhưng trước mắt chỉ là cánh đồng hoang, hiện tại bà còn mới chỉ được nhận hỗ trợ 2,1 kg giống cho một sào ruộng, còn tương lai có được bồi thường, khắc phục gì từ phía Khu công nghiệp hay không thì chưa có câu trả lời.
Trong khi đó nếu đúng khung thời vụ thì diện tích lúa của bà con đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông, chỉ gần 2 tháng nữa sẽ được thu hoạch. Người dân mong muốn các bên liên quan sớm khắc phục, cải tạo để vụ sau họ tiếp tục gieo cấy, vì tuổi của họ đã ngoài thất thập không thể đi làm công nhân, vụ tới không biết lấy gì để sản xuất.
Sau khi nhận phản ánh từ người dân, phía chính quyền các cấp của thị xã Quảng Yên đã có đoàn kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn người dân nạo vét kênh tiêu, xả nước để trung hòa nồng độ mặn nhưng cũng không thể khắc phục triệt để.
Phó chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên Nguyễn Văn Bắc thông tin: Trong quá trình giải phóng mặt bằng của dự án Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong đã cắt mất kênh tưới (lấy nước từ kênh chính Yên Lập) nên không có nguồn nước từ hệ thống kênh lên đồng, người dân phải tưới nước từ kênh tiêu dâng lên. Trong khi nước ở kênh này đã bị nhiễm mặn do vậy đã khiến hàng loạt diện tích lúa mới gieo sạ của bà con bị chết, có nhiều hộ cố gieo đến lần thứ 3 cũng không có diện tích nào có sự sống.
Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, hút cát từ xà lan vào, trong quá trình hút có bước chưa đảm bảo, nên để xâm nhập mặn, ngay sau khi phát hiện thị xã đã tiến hành kiểm tra, báo cáo Ban Quản lý khu kinh tế. Đồng thời, đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế cho người giám sát chặt quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, quá trình hút cát…Chính quyền địa phương đang yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm phải thau chua, rửa mặn hệ thống kênh dẫn nước và có biện pháp hỗ trợ cho bà con. Đồng thời yêu cầu xã Liên Vị rà soát, thống kê toàn bộ diện tích đến hết lịch thời vụ vẫn bị ảnh hưởng.
Cùng đó, thị xã Quảng Yên đã ban hành thông báo thu hồi 18,5 ha đất ở khu vực này đề thực hiện dự án Tổ hợp cảng biển và khu công nghiệp tại khu vực Đầm nhà Mạc; trong đó, thu hồi toàn bộ diện tích nhiễm mặt. Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, khi triển khai dự án, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường chưa tốt sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của bà con nông dân.
Liên quan đến quan ngại công ăn việc làm sau thu hồi đất, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên thông tin, địa phương này đang xây dựng Đề án hỗ trợ việc làm cho người dân. Theo đó, với người dưới 45 tuổi sẽ được nhận vào các khu công nghiệp, người từ 46 tuổi sẽ được đào tạo việc làm theo nguyện vọng hoặc sắp xếp các vị trí tại các đơn vị có tính dịch vụ.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp
Ngân hàng Thế giới: Lộ trình để Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao
Không để thiếu hàng, tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán
Nhân rộng mô hình thí điểm thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao