Lợi nhuận hàng chục tỷ đồng nhờ ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm

25/03/2024 16:03

Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy sản Ninh Phú, thôn Hang Dơi, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã tận dụng khoa học kỹ thuật để cải tiến quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng. Qua đó, hợp tác xã đã đóng góp vào việc giảm thiểu dịch bệnh và mang về lợi nhuận hàng chục tỷ đồng mỗi năm, đồng thời tạo ra việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Chú thích ảnh

Hợp tác xã hiện đang thực hiện 3-4 vụ nuôi mỗi năm, với sản lượng dao động từ 300-400 tấn tôm, và lãi hàng chục tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Ảnh: TTXVN phát

Mô hình nuôi tôm Semi-Biofloc, được áp dụng từ năm 2019 đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nông và nhà đầu tư vì tính hiệu quả và bền vững. Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy sản Ninh Phú có 6 thành viên và quản lý diện tích gần 10 ha, trong đó có khoảng 4 ha là ao nuôi.

Ông Lê Minh Chính, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy sản Ninh Phú cho biết: Hợp tác xã đã thực hiện 3-4 vụ nuôi mỗi năm với sản lượng từ 300-400 tấn tôm, mang lại lợi nhuận hàng chục tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Đặc biệt, lứa tôm đầu vụ năm 2023 đã đạt tỷ lệ thành công 100%.

Hướng dẫn phóng viên TTXVN thăm quan các cơ sở nuôi tôm trong hợp tác xã, ông Lê Minh Châu đã chia sẻ thông tin về đầu tư bài bản và khoa học của mô hình nuôi. Các ao nuôi được lót bạt ni lông, khép kín từ khâu ươm tôm giống đến quản lý nguồn nước và sử dụng máy đếm thời gian cho ăn. Ngoài ra, hệ thống ao được đầu tư bài bản, khoa học, các ao nuôi được lót bạt đến hệ thống xi phông tự động, máy sục khí và máy cho ăn tự động. Các cơ sở nuôi còn đầu tư máy phát điện dự phòng, đảm bảo hoạt động ổn định kể cả khi mất điện.

Ông Lê Minh Chính chia sẻ thêm: Công nghệ Semi-Biofloc, tập trung vào việc duy trì môi trường nước sạch bằng cách sử dụng vi tảo, giúp giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh và cung cấp thức ăn giàu chất dinh dưỡng cho tôm. Kỹ thuật này đã được áp dụng trong ba giai đoạn nuôi, giúp kiểm soát tốt các loại bệnh từ khi thả giống đến thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Tấn Hoàng, thành viên trong hợp tác xã, hợp tác đã giúp các thành viên phát triển quy trình nuôi tôm hiệu quả với tỷ lệ thành công từ 70-80%. Gia đình ông sở hữu hai ao nuôi, đã thu được kết quả ấn tượng đạt từ 6-8 tấn tôm/vụ. Hợp tác xã không chỉ tạo cơ hội làm giàu cho các thành viên mà còn tạo việc làm cho 30 lao động trong và ngoài địa phương.

Ông Nguyễn Tấn Hoàng khẳng định thêm, Hợp tác xã Nuôi trồng Thủy sản Ninh Phú đã đạt được sự thành công trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm, ngoài ra mô hình cho thấy sự kết hợp hiệu quả giữa kinh nghiệm thực tiễn của nông dân và công nghệ tiên tiến.

Sự hỗ trợ và chia sẻ thông tin giữa các thành viên không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành nuôi tôm tại địa phương. Từ khi tham gia hợp tác xã, các thành viên đã có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi nhau, tạo ra quy trình nuôi chung hiệu quả.

Chú thích ảnh

Từ khi thành lập vào năm 2019, Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Ninh Phú đã thu hút 6 thành viên và sở hữu diện tích gần 10 ha, trong đó có khoảng 4 ha là ao nuôi. Ảnh: TTXVN phát

   

“Hợp tác đã giúp các thành viên đàm phán được ưu đãi tốt hơn từ các công ty cung cấp con giống và tiệu thụ sản phẩm giá cao hơn so với nuôi tôm đơn lẻ”, ông Hoàng khẳng định.

Ông Trần Quang Châu, lao động tại xã Ninh Phú cho hay, từ khi thành lập hợp tác xã ông cùng nhiều lao động địa phương đã đến đây làm việc với mức thu nhập ổn định 8 triệu đồng/tháng, góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình.

Đánh giá về hiệu quả của hợp tác xã này, ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh: Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Ninh Phú đã khẳng định được sự thành công trong nuôi tôm, đồng thời còn là một mô hình minh chứng cho sự kết hợp giữa khoa học công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn. Sự hỗ trợ và chia sẻ thông tin giữa các thành viên không chỉ tạo ra hiệu quả kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nuôi tôm ở địa phương.

Cũng theo ông Huỳnh Kim Khánh, hoạt động nuôi tôm ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ thời tiết, môi trường; nuôi tôm mật độ quá cao khiến cho dịch bệnh trên tôm xảy ra thường xuyên, khó kiểm soát. Vì vậy, thời gian tới, trung tâm sẽ đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng phương pháp nuôi tôm áp dụng công nghệ Semi Biofloc nhằm mục tiêu nuôi tôm an toàn, bền vững, hạn chế dịch bệnh, góp phần phát huy thế mạnh của địa phương.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới