Hòa Bình: Xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang Hàn Quốc
29/03/2024 07:21
Chiều 28/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Tiến Ngân, Công ty Tomas Trade Co.Ltd Hàn Quốc, Công ty ASIA Ocean xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc.
Đặc điểm của giống ớt chỉ địa là loại cây dễ trồng, không kén đất, khả năng sinh trưởng và kháng sâu bệnh tốt, ra hoa kết trái sớm và cho năng suất cao. Từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch khoảng 3 tháng, một năm trồng được 2 vụ, năng suất từ 30-40 tấn/ha.
Ớt được trồng trên đất tơi xốp, thoát nước có sử dụng màng phủ trong quá trình chăm sóc, người trồng, sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học. Sau khi thu hoạch, ớt được sơ chế muối chua theo yêu cầu nghiêm ngặt của doanh nghiệp để xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Hòa Bình, nhu cầu của doanh nghiệp Hàn Quốc cần khoảng 4.000 tấn ớt muối chua/năm. Dự kiến năm 2024, Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Tiến Ngân sẽ xuất khẩu 150 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp đại phương sẽ mở rộng khoảng 50 ha diện tích trồng ớt chỉ địa muối chua xuất khẩu, tập trung tại các huyện Lương Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi và thành phố Hòa Bình.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận cho biết, những năm qua, xuất khẩu nông sản ở địa phương có nhiều khởi sắc, tăng trưởng cao cả về sản lượng xuất khẩu và số lượng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, với lô ớt xuất khẩu lần này có điểm mới vì đây là lô sản phẩm đầu tiên được xuất khẩu theo đặt hàng từ đối tác nước ngoài, kể cả về chủng loại giống, kỹ thuật sơ chế, chế biến, đóng gói đều đã đáp ứng yêu cầu của đối tác. Lô hàng này được kỳ vọng sẽ có nhiều tác động tích cực thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản chủ lực của Hòa Bình trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Huy Nhuận, địa phương không chỉ xuất khẩu những mặt hàng truyền thống như mía, cam, bưởi... sang thị trường nước ngoài mà tiến tới đẩy mạnh cả với những sản phẩm, cây trồng mới; đồng thời, củng cố niềm tin của người sản xuất, cán bộ, chính quyền địa phương trong việc tổ chức sản xuất theo yêu cầu đặt hàng.
Tỉnh khuyến khích các vùng trồng nông sản chủ lực, doanh nghiệp xuất khẩu mạnh dạn đầu tư dây chuyền, công nghệ để chế biến sâu, tạo đồng lực để chuyển từ xuất khẩu sản phẩm thô, tươi sống sang xuất khẩu sản phẩm đã chế biến nhằm tăng sản lượng, gia tăng giá trị.
Ông Nguyễn Lê Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Tiến Ngân cho biết: sau khi tham gia vào thị trường xuất khẩu nông sản một số nước trên thế giới, doanh nghiệp đã đẩy mạnh tìm hiểu về thị trường các nước khác, đặc biệt là Hàn Quốc.
Nhận thấy thị trường Hàn Quốc có nhu cầu rất lớn về sản phẩm ớt muối, công ty đã triển khai thực hiện các bước theo quy trình để xuất khẩu mặt hàng này. Cây ớt rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Hòa Bình để mở rộng quy mô diện tích trồng lớn hơn. Thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn nhận được sự quan tâm của các ban, ngành trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi phát triển vùng nguyên liệu và mở rộng cơ sở sản xuất.
Thành công bước đầu của mô hình trồng ớt chỉ địa, được muối chua xuất khẩu cho thấy hướng đi đúng đắn trong mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với người nông dân. Qua đó, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân và mở ra hướng đi triển vọng cho xuất khẩu nông sản đại phương thời gian tới.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan
Bất động sản phía Nam chuyển biến tích cực dịp cuối năm
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp
Bắc Ninh: Khởi sắc trong hoạt động sản xuất công nghiệp