Hỗ trợ người nuôi tôm ứng phó với nắng nóng

09/04/2024 07:10

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang tăng cường cán bộ kỹ thuật cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện vùng ven biển Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, Châu Thành tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc tôm nuôi trước thời tiết nắng nóng gay gắt, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tôm nuôi.

Chú thích ảnh

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao của người dân thị xã Duyên Hải. Ảnh: Thanh Hòa/TXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, từ đầu tháng 2, thời tiết trên địa bàn tỉnh nắng nóng rất gay gắt, đặc biệt hơn tuần nay, nhiệt độ nắng nóng lên đến 36 - 38 độ C. Tại các vùng biển trong tỉnh có ngày nhiệt độ tăng đến 40 độ C từ khoảng 12 - 15 giờ, nhưng về đêm khuya nhiệt độ giảm thấp. Do chịu ảnh hưởng sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, diễn ra liên tục đã làm biến động xấu môi trường nước trên các nhánh sông và ao nuôi, ảnh hưởng lớn sức khỏe tôm nuôi, phát sinh nhiều diện tích tôm nuôi bị chết.

Cụ thể, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122 ha nuôi tôm sú bị thiệt hại, với gần 25 triệu con tôm bị chết, chiếm 6% lượng tôm giống đã thả nuôi; hơn 249 ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại, với lượng con giống hơn 235 triệu con, chiếm gần 12% lượng con giống thả nuôi. Hầu hết tôm nuôi thiệt hại trong giai đoạn 25 - 50 ngày tuổi do nhiễm các bệnh các đốm trắng, đỏ thân, gan tụy, bệnh đường ruột.

Ông Nguyễn Hữu Cảnh, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang cho biết, gia đình vừa phải thu hoạch sớm 1 ao tôm thẻ chân trắng mới nuôi được 55 ngày tuổi khi phát hiện có hơn 30% tôm nuôi bị chết do bệnh đỏ thân. Nguyên nhân tôm chết là do thời tiết nắng nóng gay gắt, ao nuôi tôm theo phương thức thâm canh bình thường, ao nuôi không có mái che nên tôm nuôi bị “sốc” nhiệt phát sinh mầm bệnh.

Trước diễn biến thời tiết bất lợi, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã cử cán bộ chuyên môn xuống địa bàn cùng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện vùng ven biển hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp chăm sóc tôm nuôi, phòng bệnh cho tôm. Ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức 15 cuộc tập huấn và cấp phát tài liệu hướng dẫn về cách chăm sóc tôm nuôi trước thời tiết bất lợi, kỹ thuật phòng bệnh tôm chết sớm hộ nuôi tôm.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nuôi tôm cần theo dõi, quan trắc môi trường nguồn nước cấp, nước trong ao nuôi, đo nhiệt độ nước trong ao nuôi ít nhất 2 lần/ngày. Điều quan trọng để ứng phó với nắng nóng, nhiệt độ về đêm xuống thấp, nông dân nên vận hành liên tục hệ thống quạt để tạo đủ nguồn Oxy, hạn chế thấp nhất biến động xấu môi trường nước ao nuôi; tuân thủ tuyệt đối lấy nguồn nước cấp vào ao lắng để xử lý trước khi đưa vào ao nuôi để hạn chế thấp nhất mầm bệnh lây lan và phát sinh ra diện rộng môi trường nước.

Tính từ đầu vụ đến nay, nông dân tỉnh Trà Vinh đã thả nuôi gần 353 triệu con tôm sú, diện tích hơn 8.400 ha và hơn 1,65 tỷ con tôm thẻ chân trắng, diện tích hơn 2.393 ha; trong đó có hơn 751 ha nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao, với lượng con giống hơn 835 triệu con.

 

Nguồn: baotintuc.vn

Viết bình luận mới