Hàng hóa phục vụ Tết đa dạng, doanh nghiệp đẩy mạnh các chương trình bình ổn giá
24/01/2024 14:25
Sở Công Thương Hà Nội đã phê duyệt 32 đơn vị tham gia Chương trình cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 14.535 điểm bán sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2024.
Tại buổi làm việc của Bộ Công Thương với Sở Công Thương Hà Nội ngày 23/1 về công tác bảo đảm hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp cho biết công tác dự trữ hàng thiết yếu đã chuẩn bị sẵn sàng, đảm bảo việc mua sắm của người dân với giá cả phù hợp.
Hàng hóa dồi dào
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, đại diện Saigon Co.op cho biết nhằm phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, doanh nghiệp đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu từ rất sớm (dự kiến tăng trưởng 5-10% tùy mặt hàng), đồng thời tổ chức phân phối hàng hóa đến hơn 800 điểm bán tại 42/63 tỉnh thành trên cả nước.
Liên quan tới công tác bình ổn thị trường, đại diện doanh nghiệp này cho hay đã chủ động phối hợp với các nhà cung cấp chuẩn bị nguồn hàng giá tốt cho 3-6 tháng tới, đồng thời đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi qua đó kích cầu dịp năm mới.
Chỉ còn hơn 1 tháng là đến Tết Nguyên đán 2024, thời điểm này, các nhà vườn tại làng quất Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) đang tất bật chuẩn bị mang ra thị trường những cây quất đẹp phục vụ người tiêu dùng.
Ngoài ra, Saigon Co.op dự kiến tổ chức các chuyến hàng đến vùng sâu, vùng xa và phục vụ nhu cầu mùa sắm Tết của đông đảo công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và các địa phương có hệ thống của Co.opmart. Các mặt hàng mang đi phục vụ người dân chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng Tết, được sản xuất trong nước như: gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt, bánh, mứt, nước ngọt...
“Saigon Co.op đang tập trung thúc đẩy hoàn thiện các nền tảng bán hàng trực tuyến qua App Saigon Co.op, website cooponline.vn; kết hợp cùng các ứng dụng Momo, Zalo, Grab, Shopee, Baemin,… để gia tăng thêm các dịch vụ tiện ích theo xu hướng tiêu dùng mới, kích thích khách hàng mua sắm,” bà Nguyễn Thị Kim Dung cho hay.
Theo ghi nhận của WinCommerce, nhu cầu mua sắm dịp trước, trong và sau Tết tăng khoảng 20% so với các tháng trong năm, do vậy doanh nghiệp đã lên kế hoạch thu mua hàng hóa từ các địa phương và nhà cung cấp từ trước vài tháng để phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, đồng thời triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, với nhiều ưu đãi cho khách hàng.
“Trong dịp Tết, doanh nghiệp tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau xanh, củ quả, giỏ hoa quả… chuẩn bị với số lượng lớn và giá cả phù hợp để người tiêu dùng lựa chọn,” đại diện WinCommerce thông tin.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho hay đơn vị này đã làm việc với các tổ chức cung ứng từ thời điểm tháng 6, tháng 7/2023 và cam kết sản lượng nguồn hàng tăng 20%, từ đó đảm bảo ổn định giá cả.
Ông Tuấn cũng nhận định năm nay người dân tập trung vào các sản phẩm giá cả phải chăng, hàng Việt Nam, do vậy phía siêu thị cũng triển khai chương trình khuyến mại, giảm giá ngày cuối tuần, khóa (không tăng giá) giá 10.000 sản phẩm trong giai đoạn 45 ngày Tết (từ ngày 28/12 đến hết ngày 9/2), cùng với đó là các chương trình khuyến mại.
Cùng với bán hàng trực tiếp, Big C cũng đẩy mạnh bán hàng online, dự kiến, kênh bán hàng này tăng trưởng khoảng 40%. Một điểm mới trong năm nay đó là siêu thị đẩy thời gian mở cửa 8h sáng Mùng 2 Tết thay vì 10h sáng mùng 2 Tết mọi năm. Sau Tết cũng có sự chuẩn bị hàng hóa đảm bảo nguồn cung, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Đưa hàng bình ổn thị trường tới hơn 14.500 điểm bán
Thực hiện Kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội năm 2023, đặc biệt, Sở Công Thương đã phê duyệt 32 đơn vị tham gia Chương trình cung ứng các mặt hàng bình ổn tới hơn 14.535 điểm bán sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2024.
Đến nay, các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 7-25% tùy từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2023; tại các điểm bán hàng lượng hàng hóa đã được tăng cường 15-50% sẵn sàng phục vụ của người dân (trong đó, tỷ trọng hàng Việt Nam chiếm 90%).
Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin, thời điểm hiện tại, giá bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến. Giá thịt lợn hơi có dao động tăng nhẹ so với tháng trước, giá rau ăn lá và rau trái mùa tăng nhẹ do ảnh hưởng của mưa dài ngày, tuy nhiên nguồn cung vẫn tương đối ổn định, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh bán hàng qua kênh online, triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.
“Hiện nay, hệ thống bán lẻ trên địa bàn đã tổ chức nhiều chương trình bán hàng với mức khuyến mãi hấp dẫn đối với các mặt hàng Tết như khuyến mãi giảm giá ưu đãi lên đến 50%, các lễ hội trái cây, dùng thử sản phẩm... góp phần tăng kích cầu tiêu dùng trên địa bàn dịp Tết 2024,” ông Nguyễn Thế Hiệp nói.
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) đề nghị Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 cũng như đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên thị trường; phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cung ứng mặt hàng gạo, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán để có phương án đảm bảo nguồn cung với giá bình ổn theo đúng kế hoạch.
Bà Hiền cũng đề nghị Sở Công Thương Hà Nội theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường. Tiếp tục làm công tác tuyên truyền về nguồn cung mặt hàng Tết, tránh việc đầu cơ, tích trữ, đẩy giá cao.
"Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung các mặt hàng được tiêu dùng nhiều nhất trong dịp Tết. Đẩy mạnh Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp, khu chế xuất để người dân có thể tiếp cận được nguồn hàng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, với giá cả hợp lý nhất," bà Nguyễn Thú y Hiền nhấn mạnh./.
Nguồn: vietnamplus.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Nông sản tìm cơ hội trong thách thức xuất khẩu
Doanh thu bán lẻ từ thị trường thương mại điện tử sẽ tăng mạnh vào năm 2025
Sản lượng lúa các tỉnh phía Bắc năm 2024 đạt trên 12,7 triệu tấn
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan
Bất động sản phía Nam chuyển biến tích cực dịp cuối năm
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal