Giá cá lóc cuối vụ giảm
09/03/2024 10:00
Nông dân chuyên nghề nuôi cá lóc ở Trà Vinh tiếp tục bị thua lỗ do giá cá lóc thương phẩm liên tục giảm dù đây là thời điểm cuối mùa vụ thu hoạch, sản lượng không còn nhiều.
Chị Lê Thị Nga, hộ nuôi cá lóc ở xã Phước Hưng, huyện Trà Cú cho biết, ngay từ đầu tháng 3/2024, giá cá lóc thương phẩm bắt đầu giảm thêm 2.000 – 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 2, xuống mức 29.000 - 32.000 đồng/kg. Với mức giá cá lóc thương phẩm này, người nuôi lỗ bình quân 3.000 đồng/kg cá thương phẩm, chưa tính khoản chi phí trong 5 tháng cho nhân công lao động.
Theo chị Nga, trong 3 năm qua, đây là năm giá cá lóc thương phẩm giảm thấp vào cuối vụ. Điều khó khăn thêm với người nuôi cá là từ đầu năm 2024, rất ít thương lái hợp đồng thu mua như trước đây. Nông dân nuôi cá phải tự thu hoạch, đưa cá đến chợ bán cho các vựa, hoặc thu hoạch lần lượt bán lẻ theo từng phiên chợ mỗi ngày.
Ông Thạch Sô Phanh, ở xã Đại An, huyện Trà Cú cho biết, hàng năm vào thời điểm tháng 2 hầu hết nông dân nuôi cá lóc đã thu hoạch xong diện tích để vệ sinh ao hồ, chuẩn bị cho mùa vụ nuôi của năm mới. Thế nhưng, năm nay do giá cá thương phẩm thấp, ít thương lái hợp đồng thu mua nên nhiều nông dân “neo cá” chờ giá, cuối cùng tăng thêm chi phí, thua lỗ tăng thêm.
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho hay, địa phương là nơi có diện tích nuôi cá lóc tập trung, nhiều nhất tỉnh. Toàn huyện có diện tích nuôi cá lóc mỗi năm khoảng 450 ha, chiếm khoảng 70% diện tích nuôi toàn tỉnh với khoảng 1.250 lượt hộ nuôi, tổng sản lượng thu hoạch bình quân mỗi năm hơn 40.000 tấn. Do cá lóc thương phẩm cung ứng chủ yếu sang thị trường Campuchia và thị trường nội địa, nên giá cá lóc thương phẩm không ổn định, nhất là khi vào mùa vụ thu hoạch tập trung và thị trường Campuchia giảm mua.
Rút kinh nghiệm về thị trường qua nhiều năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú luôn khuyến cáo nông dân chuyển đổi phương cách nuôi từ thâm canh sang luân canh theo từng ao nuôi. Nông dân cần bố trí lại hệ thống ao nuôi gồm: ao nuôi, ao xử lý nước xả thải và ao lấy nước để có thêm ao dự phòng, khi thu hoạch chọn cá chưa đạt kích cỡ thả nuôi tiếp. Với cách nuôi này, nông dân không buộc thu hoạch tập trung và có điều kiện để nuôi tiếp lượng cá nhỏ đạt trọng lượng bán được giá cao, tránh thua lỗ khi thị trường cung vượt cầu.
Nguồn: baotintuc.vn
Các bài viết cùng chuyên mục
Xuất khẩu gỗ tìm được cơ hội lội ngược dòng để về đích vượt mục tiêu
Dong riềng được mùa, được giá, làng miến Bình Lư tất bật vào vụ sản xuất
Quảng Ninh: Tốc độ sản xuất nuôi trồng thủy sản đang phục hồi rất khả quan
Bất động sản phía Nam chuyển biến tích cực dịp cuối năm
Phát triển cây trồng chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh
Lãi suất tiền gửi duy trì tăng
Nông sản Việt nhiều cơ hội thâm nhập thị trường Halal
TP Hồ Chí Minh I nhất toàn đoàn Giải vô địch Thể dục nghệ thuật toàn quốc
Xuất khẩu gạo Việt Nam vượt 8 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD
Thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong nông nghiệp